Mọi năm, cứ vào thời gian này là vườn mãng cầu của gia đình anh Trần Ngọc Thơm, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ đã trĩu quả. Với 1,4 ha, một năm gia đình anh làm 2 vụ, vụ chính vào khoảng tháng 7 đến tháng 8 âm lịch, vụ nghịch là để cắt bán vào dịp Tết Nguyên đán. Nếu như năm ngoái, sau khi trừ chi phí anh thu về gần 100 triệu đồng từ bán mãng cầu Tết, thì năm nay vườn mãng cầu của anh chỉ đậu lác đác vài trái. Đến thời điểm này số trái đậu được trên cây cũng bị bọ xít, muỗi chích đen hết nên phải cắt bỏ.
Vườn mãng cầu của gia đình ông Trần Văn Chích ở xã Long Tân, huyện Đất Đỏ bị bọ xít muỗi tấn công khiến trái bị đen, hư hỏng hết. |
Theo anh Thơm, do thời điểm tháng 8 âm lịch mãng cầu bắt đầu ra hoa lại đúng vào những ngày mưa nhiều khiến hoa bị rụng gần hết. “Lúc đó gia đình tôi có phun xịt thuốc để giữ hoa cũng không được, vì cứ phun xong trời lại đổ mưa. Năm nay vườn mãng cầu của gia đình tôi coi như thất thu", anh Thơm chia sẻ thêm.
Vườn mãng cầu của gia đình ông Trần Văn Chích, cùng ở xã Long Tân trong tình cảnh tương tự. Với diện tích 1 ha, vụ mãng cầu Tết năm ngoái ông thu được khoảng 4 tấn, với số tiền 70 triệu đồng. Năm nay vườn mãng cầu của gia đình ông cũng không đậu trái nào. Ông cho biết, do thời điểm mãng cầu ra hoa đúng vào đợt trời mưa nhiều nên hoa và trái non rụng hết. Trước tình cảnh này ông Chích đành chờ đến cận Tết Nguyên đán sẽ cắt cành, tỉa lá để chuẩn bị cho mãng cầu ra hoa bán vào dịp tháng 4 âm lịch nhằm vớt vát phần nào thiệt hại kinh tế do thất thu mãng cầu vụ Tết Nguyên đán.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Long Tân, toàn xã hiện có 70 ha mãng cầu của hơn 70 hộ, mỗi năm lợi nhuận từ 1 ha khoảng 150 triệu đồng. Ông Lê Minh Vương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tân cho biết, trong số diện tích mãng cầu của toàn xã Long Tân có hơn 20 ha bà con làm mãng cầu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay có đến hơn 80% diện tích mãng cầu sản xuất để bán Tết bị thất thu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không riêng gì diện tích mãng cầu sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán ở xã Long Tân bị thất thu mà các địa phương như xã Láng Dài, Long Thọ, Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) cũng trong tình cảnh tương tự. Hiện nay, toàn xã Láng Dài có đến 15 ha sản xuất mãng cầu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, tuy nhiên hầu hết số diện tích này đều bị rụng hoa, trái non do trời mưa nhiều.
Theo các hộ trồng mãng cầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mãng cầu được xử lý ra hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán là vụ nghịch mùa. Do nghịch mùa lại bán vào thời điểm Tết Nguyên đán hằng năm nên giá rất cao. Nhờ vậy, thu nhập của các hộ nông dân trồng mãng cầu được nâng lên. Vụ nghịch mùa này cũng đã được bà con áp dụng từ nhiều năm nay và được người tiêu dùng đánh giá chất lượng tốt.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, tỉnh có khoảng 1.800 ha mãng cầu trồng tập trung nhiều ở các xã Long Tân, Phước Hội, Láng Dài, Long Mỹ (huyện Đất Đỏ), xã Tóc Tiên, Châu Pha (huyện Tân Thành), xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), phường 10, phường 12 của TP Vũng Tàu...
Với lợi thế đã xây dựng được thương hiệu Mãng cầu ta Bà Rịa - Vũng Tàu, cộng với danh tiếng mãng cầu có sẵn thì đây là loại trái cây đặc sản thứ 2 của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (sau nhãn xuồng cơm vàng) được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Việc thất thu mãng cầu phục vụ thị trường Tết cũng là thiệt thòi cho người tiêu dùng khi mà năm nay mâm ngũ quả sẽ phần nào thiếu đi trái cây đặc sản của quê hương