New York: Đồng USD chạm ngưỡng 150 yen lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022

Ngày 3/10, đồng USD đã vượt mốc 150 yen lần đầu tiên sau một năm tại phiên giao dịch ở thị trường New York, Mỹ.

Chú thích ảnh
Tiền giấy mệnh giá 10.000 yen và 100 USD tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Nguyên nhân là đồng tiền Nhật Bản tiếp tục suy yếu do chính sách tiền tệ cực lỏng của nước này trong khi lãi suất cao của Mỹ đang thu hút các nhà đầu tư vào đồng bạc xanh.

Trong phiên giao dịch buổi chiều, tỷ giá yen/USD đạt 150,16 yen/USD, mức chưa từng thấy kể từ tháng 10/2022.

Tuy nhiên, sau đó đồng USD nhanh chóng giảm xuống còn 147,50 yen/USD do sự thận trọng ngày càng tăng trước khả năng chính quyền Nhật Bản can thiệp mua đồng yen để ngăn chặn sự mất giá hơn nữa của đồng tiền này.

Sự tăng giá của đồng bạc xanh phản ánh triển vọng về khoảng cách lãi suất rộng hơn giữa Nhật Bản với Mỹ do chính sách khác nhau của ngân hàng trung ương của hai nước. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất ở mức cao để kiềm chế lạm phát trong, khi Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) duy trì chính sách tiền tệ cực lỏng.

Không giống như nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, nơi ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát, Nhật Bản đã giữ lãi suất ở mức 0 hoặc thấp hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Lãi suất chuẩn ngắn hạn hiện tại là -0,1%, có nghĩa là các ngân hàng và công ty tài chính phải trả cho BoJ để giữ tiền của họ - một động thái nhằm khuyến khích họ cho vay hoặc đầu tư tiền thay thế.

Các nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm của đồng yen có thể khiến BoJ can thiệp vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng nội tệ vì đồng yen rẻ làm tăng chi phí nhập khẩu như thực phẩm và năng lượng đối với các gia đình và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 3/10 cho biết chính phủ đang theo dõi chặt chẽ sự biến động trên thị trường ngoại hối và sẽ phản ứng thích hợp với những biến động nhanh chóng, đồng thời thừa nhận rằng đồng yen đã mất giá đáng kể. Ông nói: “Điều quan trọng là chuyển động tiền tệ phải ổn định và phản ánh các nguyên tắc cơ bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến với mức độ khẩn cấp cao hơn và phản ứng bằng mọi biện pháp có thể”.

Bằng cách bán một phần dự trữ USD, BoJ có thể nâng giá trị của đồng yen - như đã từng thực hiện hồi tháng 10/2022, khi đồng tiền này giảm xuống mức 150 yen/USD, một mức chưa từng thấy kể từ những năm 1990. Bộ Tài chính cho biết vào thời điểm đó BoJ đã chi 43 tỷ USD để hỗ trợ đồng nội tệ.

Trong khi đó, tại Mỹ, một báo cáo lao động được theo dõi chặt chẽ cho thấy sự gia tăng bất ngờ về số lượng tin tuyển dụng còn trống, lên tới 9,6 triệu vị trí tuyển dụng, một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm tiếp tục thắt chặt.

Dữ liệu này có thể giúp Fed có cơ hội tăng lãi suất hơn nữa trong cuộc chiến chống lạm phát, thúc đẩy lợi suất trái phiếu Mỹ tăng thêm.

Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)
Đồng yen yếu - sức ép hay 'cú hích'?
Đồng yen yếu - sức ép hay 'cú hích'?

Đồng yen liên tục mất giá trong thời gian gần đây đang gây ra những xáo trộn tại Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN