Bắc Kinh trong hơn một năm qua đẩy mạnh hoạt động cho vay và cắt giảm lãi suất, đặc biệt đối với các công ty nhỏ hơn và công ty tư nhân - khu vực đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế và việc làm của Trung Quốc. Mặc dù vậy, theo một số nhà phân tích, nhu cầu tín dụng tại nước này chưa tăng mạnh như dự đoán, củng cố quan điểm Chính phủ Trung Quốc cần triển khai thêm các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy đầu tư và bình ổn hoạt động kinh tế.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 11/9 công bố dữ liệu cho thấy các ngân hàng tại nước này có tổng dư nợ mới đạt 1.210 tỷ NDT (170 tỷ USD) trong tháng 8/2019, cao hơn mức trong tháng 7/2019 và cao hơn dự đoán các nhà phân tích đưa ra trước đó là 1.200 tỷ NDT.
Các khoản cho vay hộ gia đình tại Trung Quốc, chủ yếu là các khoản cho vay thế chấp, tăng lên 653,8 tỷ NDT trong tháng 8/2019, so với mức 511,2 tỷ NDT trong tháng trước đó. Các khoản cho vay doanh nghiệp tăng lên 651,3 tỷ NDT, so với mức 297,4 tỷ NDT.
PBoC ngày 6/9 cho biết ngân hàng này đã quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của tất cả các ngân hàng trong nước khoảng 50 điểm cơ bản. Riêng với các ngân hàng thương mại đô thị đáp ứng các quy định đề ra thì tỷ lệ này sẽ được cắt giảm 100 điểm cơ bản. Còn tỷ lệ RRR đối với các ngân hàng lớn sẽ được hạ xuống 13%.
Đây là lần đưa ra quyết định cắt giảm tỷ lệ RRR thứ ba của PBoC kể từ đầu năm 2019 đến nay, giúp các ngân hàng "giải phóng" 900 tỷ NDT (126,35 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế trong nước đang trong tình trạng "giảm tốc". PBoC đã cắt giảm tỷ lệ RRR 7 lần kể từ đầu năm 2018 đến nay. Mức độ của đợt cắt giảm tỷ lệ RRR lần này đã “kịch trần” biên độ dự đoán trước đó và tổng lượng tiền được “giải phóng” là lớn nhất trong chu kỳ nới lỏng hiện nay.
Lần cắt giảm tỷ lệ RRR lần này, với đợt đầu sẽ nâng thanh khoản của các ngân hàng thêm 800 tỷ NDT, sẽ có hiệu lực từ ngày 16/9. Đợt tiếp theo sẽ nâng thanh khoản của các ngân hàng của Trung Quốc thêm 100 tỷ NDT theo 2 giai đoạn từ ngày 15/10 và 15/11.