Chiều phiên này, tại thị trường London (Anh), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 49 xu Mỹ (0,6%), lên 77,54 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 45 xu (0,5%), lên 83,90 USD/thùng.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 2/2023, làm tăng thêm hy vọng rằng sự phục hồi của nền kinh tế nước này có thể bù đắp cho sự suy giảm kinh tế toàn cầu và thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ.
Stephen Brennock của công ty dịch vụ dầu mỏ PVM cho biết: "Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phục hồi và đây là động lực tích cực cho giá dầu".
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã tăng ấn tượng trong tháng Hai vừa qua, sau khi cuối năm ngoái nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch COVID-19. Theo số liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 1/3, PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng Hai vừa qua ở mức 52,6 điểm, so với 50,1 điểm ghi nhận trong tháng Một.
Con số này vượt mức dự báo 50,5 mà giới chuyên gia đưa ra trước đó, đồng thời là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012. PMI lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc trong tháng Hai cũng đạt 56,3, tăng từ mức 54,4 của tháng Một.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại nền tảng giao dịch trực tuyến IG, cho biết: "Đà tăng của chỉ số PMI tại Trung Quốc càng mang lại niềm tin về sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, hỗ trợ cho triển vọng nhu cầu dầu mỏ".
Tín hiệu tích cực về nhu cầu dầu của Trung Quốc đã bị bù đắp bởi các dấu hiệu nguồn cung tăng với một báo cáo chỉ ra rằng dự trữ dầu thô của Mỹ đang tăng, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Dự trữ dầu của Mỹ tăng 6,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/2. Một dấu hiệu khác cho thấy nguồn cung tăng là sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng 150.000 thùng/ngày trong tháng Hai.