Vừa tiện, vừa rẻ
Tại cửa hàng siêu thị túi trên phố Hàng Chiếu (Hoàn Kiếm), giá túi nilông loại dầy to các màu, ngoại trừ màu đỏ được bán đồng giá 42.000 đồng/kg, còn màu đỏ chỉ 35.000 đồng/kg; giá cốc nhựa dùng một lần là 1.300 đồng/cốc. Ở một cửa hàng khác cũng tại phố Hàng Chiếu, giá hộp nhựa đựng cơm loại 3 ngăn (dùng một lần) được bán với giá 80.000 đồng/150 cái; bịch ống hút được bán với giá từ 15.000 - 25.000 đồng…
Khảo sát các chợ lớn ở Hà Nội như: Chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Mơ… từ hàng rau, hàng thịt cá, tới các cửa hàng quần áo thời trang, túi xách… việc sử dụng túi nilông để đựng vẫn phổ biến. Chủ cửa hàng hoa quả trên phố Hàng Bún (Ba Đình), chị Nguyễn Thị Ngọ chia sẻ: “Cửa hàng không dùng túi nilông đựng hoa quả cho khách, có khi khách không mua nữa, vì không phải ai cũng mang túi, giỏ đi theo. Nếu dùng túi vải để đựng, nhiều khách sẽ ngại phải giặt, còn nếu bán túi thân thiện môi trường thì phải đội chi phí lên vài nghìn đồng/túi…”.
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, các siêu thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã “nói không” với túi nilông. Tại TP Hồ Chí Minh, các hệ thống siêu thị lớn, nhỏ như: Saigon Co.op, Co.opmart, Co.op Xtra… đang tiên phong sử dụng phương pháp sử dụng lá chuối để bọc sản phẩm. Sau đó, đã tạo thành một làn sóng lan truyền ra khắp các hệ thống siêu thị trên cả nước. Hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội cũng áp dụng từ vài tháng nay.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilông đang nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilông ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilông không được tái sử dụng, mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilông thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Chuyên gia “hiến kế” loại bỏ túi nilông
TS Nguyễn Hoàng Nam (Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên môi trường) đưa ra thống kê chưa đầy đủ về chính sách thuế ở hơn 50 nước, trong đó có 27 nước đánh thuế vào việc sản xuất, còn khoảng 30 nước đánh thuế vào việc tiêu thụ. Cụ thể: Nếu một người trả tiền mua túi ni-lông ở siêu thị thì khoản tiền này đã bao gồm thuế túi nilông. Đánh thuế vào việc tiêu thụ sẽ ngay lập tức điều chỉnh hành vi người dùng, góp phần giảm lượng tiêu thụ sản phẩm này.
“Nếu tính đúng, đủ và giám sát chặt chẽ doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh túi nilông, nhất là các hộ thuế khoán, chắc chắn giá túi nilông phải gấp ít nhất 4 - 5 lần hiện nay. Vì ngoài thuế bảo vệ môi trường 50.000 đồng/kg, một kg túi nilông còn bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí nguyên liệu, máy móc, nhân công, mặt bằng, điện, nước, vận chuyển, vốn... Lúc đó, ý thức sử dụng túi nilông sẽ khác”, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nói.
Còn lãnh đạo Công ty An Thành Bicsol (An Phát Holdings) cho hay, khi bắt đầu đưa sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco vào Việt Nam, doanh nghiệp đã gặp phải không ít thách thức. Cụ thể, gần đây, Việt Nam có nhiều sản phẩm nhựa dán nhãn “tự hủy sinh học”. Bản chất, đó chỉ là những sản phẩm nhựa HDPE thông thường được thêm phụ gia để dễ phân rã thành vi nhựa, thành phần nguy hiểm hơn cả nhựa thông thường, vì dễ dàng hòa lẫn vào nước, đất, bị động vật nuốt vào và quay trở lại chuỗi thực phẩm của con người. Song, người dân lại chưa có đủ thông tin về loại sản phẩm này.
“Với nguyên liệu 100% nhập khẩu từ Đức, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, giá thành của các sản phẩm AnEco khá cao so với những sản phẩm nhựa thông thường. Trong khi đó, thị trường vẫn đang có nhiều các sản phẩm nhựa dùng một lần trôi nổi, lại được gắn mác sinh học hay tự hủy để tránh thuế môi trường, giá bán không chịu thuế thấp hơn nhiều nên việc thuyết phục khách hàng bỏ ra mức chi phí cao hơn để sử dụng các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn sẽ không dễ dàng”, đại diện An Thành Bicsol nói.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường kỳ vọng sớm có được những hỗ trợ về mặt chính sách và thực thi pháp luật của Nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, cũng như các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nilông.