Người chăn nuôi Bến Tre loay hoay 'giải cứu' chính mình

Nếu trước đây người chăn nuôi ở Bến Tre có thể thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình nhờ nuôi lợn thì nay nhiều hộ gia đình rơi vào tình trạng nợ nần với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

Bỏ chăn nuôi để giảm bớt lỗ hay tiếp tục vay tái đàn chờ cơ hội trả nợ là bài toán nhiều người chăn nuôi ở Bến Tre đang phải loay hoay tự “giải cứu” chính mình.

Giải pháp nào?

Anh Nguyễn Văn Bé Chín (xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) phải bán trang trại lợn để trả nợ ngân hàng vì càng nuôi càng lỗ.

Bán trại là giải pháp anh Nguyễn Văn Bé Chín tổ hợp tác chăn nuôi lợn đạt chuẩn VietGAP xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam chọn lựa mong có tiền trả nợ ngân hàng. Cách đây 2 năm, nhận thấy nghề chăn nuôi lợn phát triển nên gia đình anh Chín vay ngân hàng 2 tỷ đồng cộng với số tiền tiết kiệm sau mỗi lứa lợn đã xuất chuồng để đầu tư trang trại chăn nuôi lợn với quy mô trên 5.000 m2, nuôi khoảng 1.000 con lợn theo chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn liên tục giảm khiến gia đình anh Chín lỗ nặng. Thực tế này khiến anh Chín băn khoăn bởi nếu tiếp tục nuôi sẽ không có vốn để mua thức ăn cũng như trả nợ ngân hàng. Vì vậy, anh quyết định bán trang trại nhưng hiện chưa có người hỏi mua.

Để “cầm cự” với đàn lợn trong chuồng, anh Chín phải giảm nguồn thức ăn, thay đổi thức ăn công nghiệp bằng thức ăn cám trộn nước để giảm chi phí. Anh Chín cho biết, trước đây, gia đình cho lợn ăn thức ăn công nghiệp nhưng giờ sử dụng cám bột có công thức tự trộn, giảm chi phí 15%. Nhưng hiện việc sử dụng thức ăn nào cũng lỗ, phải bán trại để trả nợ ngân hàng, trả nợ ngoài. Bởi nếu đợi nhà nước hỗ trợ sẽ lâu, không bán sớm là lỗ nặng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Phương, tổ hợp tác chăn nuôi lợn Phước Sang, xã Cẩm Sơn tiếp tục mua lợn con về tái đàn dù biết nếu làm vậy sẽ lỗ, nợ nhưng anh hy vọng thời gian tới giá sẽ tăng.

Hiện mỗi ngày gia đình anh Phương chi 6 triệu đồng duy trì đàn lợn gần 300 con. Để có tiền mua thức ăn, anh phải chạy xe tải chở hàng thuê cho công ty, sử dụng số tiền đó để nuôi lợn, trường hợp thiếu vay mượn thêm. Thời gian trước, đại lý cho anh Phương nợ tiền thức ăn nhưng nay phải trả tiền luôn.

Theo các hộ chăn nuôi, hiện giá lợn con ở Bến Tre khoảng 120.000 - 150.000 đồng/con (lợn mới cai sữa từ 7 - 8 kg/con). Hiện giá 10 lợn con mới bằng giá một con lợn trước kia. Mỗi con lợn người chăn nuôi lỗ 1.000.000 - 1.500.000 đồng. Nhiều hộ chăn nuôi trước đây được đại lý “bao trọn gói” thức ăn, không thể trả nổi tiền sau khi đã bán lợn, có trường hợp đại lý từ chối “bao” thức ăn một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Văn Tư, đại lý thức ăn chăn nuôi xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, dù biết thời điểm này người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn nhưng đại lý cũng không còn cách nào khác. Bởi bản thân ông khi mua hàng từ công ty phải trả tiền mặt trong khi nếu cứ tiếp tục bán nợ cho người nuôi, đại lý sẽ gặp khó khăn.

Tiếp tục giảm đàn

Hiện nay, đàn lợn của huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã giảm khoảng 30%.

Xã Cẩm Sơn có trên 1.700 hộ chăn nuôi lợn (chiếm 50% dân số của xã). Đây là địa phương có đàn lợn lớn nhất huyện Mỏ Cày Nam, có thời điểm lên tới trên 60.000 con. Giá lợn xuống thấp, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán lợn hoặc bỏ chuồng nên tổng đàn giảm khoảng 30%.

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn Lê Văn Dũng cho biết, với địa phương, trồng trọt và chăn nuôi lợn là hai nghề chính. Thời gian qua, chăn nuôi giúp kinh tế người dân ổn định nhưng hiện giá xuống thấp và muốn duy trì đàn lợn địa phương mong có sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước.

Xã Cẩm Sơn đang làm hồ sơ, thủ tục để trong năm 2017 thành hợp tác xã trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Đồng thời, địa phương phối hợp với các ngành tỉnh, huyện tìm giải pháp giúp người chăn nuôi có đầu ra ổn định, nâng thu nhập đối với người dân trong thời gian tới.

Hiện hầu hết người chăn nuôi lợn ở Bến Tre có nguyện vọng nhà nước sớm có chính sách “giải cứu” để người chăn nuôi tiếp tục với nghề truyền thống.


Anh Nguyễn Văn Phương, xã Cẩm Sơn mong Bộ Công Thương có hướng tìm đầu ra cho người chăn nuôi, bởi nếu tiếp tục tình trạng này, gia đình lỗ 100 triệu đồng, như vậy khoảng 2 - 3 năm tới anh phải bỏ nghề, không còn vốn tiếp tục nuôi.

"Mong ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ, đáo hạn, như vậy người chăn nuôi mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn. Hoặc ngân hàng có chính sách để người chăn nuôi vay thêm, tái đàn”, anh Nguyễn Văn Bé Chín mong muốn.

Cuối năm 2016, tổng đàn lợn của tỉnh Bến Tre trên 700.000 con nhưng đến nay khoảng 400.000 con. Theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam, thời gian tới nếu giá lợn không tăng trở lại, khả năng tổng đàn còn tiếp tục giảm.

Ông Hùng cho biết, thời điểm giá lợn mới có dấu hiệu giảm, những tháng đầu người dân còn níu kéo. Nhưng cách đây khoảng một tuần, ngành nông nghiệp huyện khảo sát lại ở các xã thì tổng đàn giảm 30 - 40%. Những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ dưới 50 con gặp nhiều khó khăn, đàn lợn ngày càng giảm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Thị Thu Sương, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền; tháo gỡ khó khăn với người chăn nuôi lợn. Giải pháp trước mắt là khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn, giảm đàn lợn nái xuống 20 - 30%.

Người chăn nuôi nên tiếp tục chăm sóc sức khỏe, tiêm phòng cho đàn gia súc vì thời gian này người chăn nuôi ít quan tâm đến đàn gia súc, dễ dẫn đến dịch bệnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bến Tre hỗ trợ miễn phí vắc xin tiêm phòng cho đàn lợn.

Bài và ảnh: Thu Hiền (TTXVN)
Giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi cần có tính đột phá
Giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi cần có tính đột phá

Sáng nay (13/6), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên đăng đàn tại phiên chất vấn của Quốc hội kỳ này. Nhiều đại biểu đã chất vấn bộ trưởng về vấn đề khủng hoảng thịt lợn. Báo Tin Tức đã ghi nhận ý kiến cử tri về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng sáng nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN