Đến thăm vườn khi gia đình đang thu hoạch chuối nải để bán, ông Đỗ Dân Lập, ấp Minh Kiên 2, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) buồn bã cho biết, gia đình đã thu hoạch hơn 1.200 nải chuối xiêm nhưng chỉ bán được khoảng 3,5 triệu đồng. Thu nhập giảm khoảng 40% là do giá chuối từ đầu năm 2024 đến nay sụt giảm hơn 2.000 đồng/nải.
Theo ông Lập, không riêng đợt vào mùa khô này mà nhiều năm qua, cứ sau Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 4, tháng 5 là giá chuối lại giảm sâu. Nguyên nhân giảm giá được các thương lái cho rằng điều kiện vận chuyển khó khăn, phải qua nhiều khâu trung gian, tăng thêm chi phí. Cụ thể, do ngoài các đầu kênh được đóng cống để ngăn nước mặn nên hầu hết các tuyến kênh trong vùng điệm của rừng U Minh Thượng đều cạn nước, trong khi đó, một số tuyến đường bê tông còn nhỏ hẹp, hoặc còn lộ đất nên các xa tải không đến tận vườn để thu gom chuối.
Ông Lập cũng cho hay, không chỉ riêng hộ ông mà đa số các nông dân trồng chuối ở xã Minh Thuận đều không quyết định được giá bán mà hoàn toàn phụ thuộc vào giá của thương lái đưa ra.
“Vì vậy, giá thấp hay cao cũng phải bán, chứ không bán thì chỉ còn cách vứt bỏ. Nhiều năm qua, giá chuối luôn bấp bênh và lên xuống thất thường, nhưng sụt giảm là thường xuyên. Với giá bán 3.000 đồng/nải trong 2 tháng nay, gia đình thu về chưa được 9 triệu đồng/tháng, nếu tính cả công chăm sóc chắc chắn không đủ tiền công”, ông Lập cho hay.
Cũng có chung nỗi buồn và trăn trở với nhiều người trồng chuối ở huyện U Minh Thượng, ông Nguyễn Văn Thắng, ấp Minh Kiên 2, xã Minh Thuận cho biết, cả năm 2023 chuối nải thường duy trì ở mức từ 3.000-4.000 đồng/nải, có nhiều tháng giá xuống còn 2.000 đồng/nải. Vì vậy, năm ngoái gia đình ông giảm thu nhập hơn 40 triệu đồng từ vườn chuối có diện tích hơn 2ha.
Trong khi nỗi buồn thất thu của năm cũ chưa hết, lão nông 67 tuổi này tiếp tục trăn trở về sự bấp bênh của giá chuối, khi từ đầu năm 2024 đến nay giá chuối chỉ ở mức từ 3.000 - 2.500 đồng/nải. “Do khó khăn trong vận chuyển, thương lái giảm giá thu mua, không chỉ vậy, có nhiều ngày, thương lái không đến thu mua dẫn đến tình trạng chuối chín phải vứt bỏ khá nhiều.
Vì vậy, ngành chức năng, chính quyền các cấp và doanh nghiệp cần có sự phối hợp để bao tiêu một mức giá ổn định, khoảng 4.000 đồng/nải. Đồng thời, sớm làm các tuyến lộ bê tông, nâng cấp mở rộng các con lộ nhỏ để phương tiện vận chuyển chuối nói riêng, các nông sản nói chung để giúp nông dân tăng thu nhập, yên tâm sản xuất”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Phạm Duy Tân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thông huyện U Minh Thượng, mô hình trồng chuối ở huyện bắt đầu từ năm 2000 và phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng thuộc xã An Minh Bắc và xã Minh Thuận. Hầu hết nông dân khu vực này đều phát triển mô hình đa canh tổng hợp như trồng xen canh cây ăn trái như ổi, xoài, khóm, chuối, các loại khoai lấy củ… với rau màu kết hợp với nuôi cá, nuôi ốc bươu đen.
“Những năm qua, phòng nông nghiệp huyện cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp để tìm đầu ra cho các loại nông sản ở địa phương, đặc biệt là chuối. Tuy nhiên, do chuối được trồng trong các vùng đệm của vườn quốc gia , thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đường bộ, đường thủy còn hạn chế, nhất là những tháng đóng cống ngăn mặn nên kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư, thu mua cũng gặp khó khăn.
“Gần đây có một doanh nghiệp muốn về đầu tư và qua trao đổi họ sẽ bao tiêu thu mua chuối nải với giá 6.000 đồng/nải và chúng tôi đang xúc tiến các bước để sớm triển khai nhằm nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng chuối. Sắp tới, ngành tiếp tục tham mưu UBND huyện kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư thu mua, bao tiêu giá cả ổn định để giúp nông dân yên tâm sản xuất”, ông Phạm Duy Tân cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang, tổng diện tích trồng chuối của tỉnh hơn 3.200 ha; trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện U Minh Thượng (khoảng 2.800ha), còn lại nông dân trồng rãi rác ở các huyện: Tân Hiệp, An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận… Bên cạnh chuối xiêm, chuối già truyền thống, một số nhà vườn còn phát triển giống chuối già Nam Mỹ, chuối xiêm lùn, chuối sáp.
Theo đề án phát triển cây ăn quả chủ lực của Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào ngày 27/10/2022, tỉnh Kiên Giang được chọn là vùng sản xuất trọng điểm 2 loại trái cây chủ lực là chuối và khóm. Cụ thể, định hướng đến năm 2025, cùng với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, có tỉnh Kiên Giang sẽ trở thành vùng trọng điểm sản xuất chuối của cả nước với tổng diện tích trồng khoảng 165.000-175.000ha, ước sản lượng khoảng 2,6 đến 3 triệu tấn/năm.
Để đáp ứng vùng nguyên liệu, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, tăng cường sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh, phục tráng giống, chuyển giao các giống chuối đặc sản gắn với chương trình phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) ở các địa phương. Đồng thời, tăng cường quản lý, hướng dẫn kỹ thuật chọn cây giống, canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, trồng chuối đạt chuẩn tiêu chuẩn VietGAP... gắn với phát triển chuỗi liên kết và tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho cây chuối”, ông Nguyễn Văn Hiển cho biết thêm.