Chốt phiên giao dịch ngày 7/10, VN-Index giảm 0,67 điểm xuống 1.269,93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 542,5 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 11.849,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 170 mã tăng giá, 202 mã giảm giá và 86 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,2 điểm xuống 232,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 61,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.140,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 67 mã tăng giá, 60 mã giảm giá và 82 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,1 điểm lên 92,47 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 35,3 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 542 tỷ đồng. Toàn sàn có 129 mã tăng giá, 116 mã giảm giá và 106 mã đứng giá.
Ở chiều tích cực, nhóm cổ phiếu chứng khoán có sắc xanh lan tỏa. Các mã cổ phiếu trụ cột trong nhóm chứng khoán như HCM tăng 2,13%, VDS và VND đều tăng 2,05%, SSI tăng 1,1%.
Sắc xanh cũng chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu dầu khí. PTV thậm chí còn tăng 14,29% lên giá trần. Các mã PVB, PVD, PVC, PVS, BSR đều ở chiều giá tăng.
Hôm nay các mã vốn hóa lớn như SSB giảm 2,29%, VNM giảm 2,04%, HDB giảm 1,65%, POW giảm 1,54%, MSN giảm 1,06%. Cùng đó, một loạt mã như VCB, VIC, VHM, VRE, VJC, BID, GAS, GVR, PLX, MWG chốt phiên trong sắc đỏ đã tạo áp lực giảm điểm rất lớn lên chỉ số VN-Index.
Xét đến các nhóm ngành, ngành tiện ích có mức giảm mạnh nhất thị trường với POW giảm 1,54%, GAS giảm 0,55%, REE giảm 0,75% và TTA giảm 2,56%. Các ngành tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc sức khỏe cũng ở chiều giảm giá.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Thực tế cho thấy rằng, biến động giá cổ phiếu hôm nay cũng không lớn.
Khó khăn của thị trường không chỉ đến từ việc nhà đầu tư nội thận trọng giải ngân, mà còn đến từ việc bán ròng của khối ngoại. Hôm nay, khối ngoại đã bán ròng 395 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 3 tỷ đồng. Các mã VPB và HDB bị bán ròng mạnh nhất với 94 và 88 tỷ đồng. Tiếp đến VCG và OCB cũng bị bán ròng lần lượt 41 tỷ đồng và 32 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bán ròng 56 tỷ đồng trên HNX và 100 triệu đồng trên thị trường UPCOM.
Từ đầu năm 2024 đến nay, VN-Index đã có khoảng 5 lần nỗ lực vượt ngưỡng 1.300 điểm nhưng đều không thành công. Cứ mỗi khi VN-Index tiệm cận vùng cản này, lực bán lại gia tăng mạnh, đẩy chỉ số giảm sâu trở lại.
Trong nhịp tăng chạm mốc 1.300 điểm vừa qua, dễ nhận thấy rằng động lực chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán và chưa tạo được sự lan tỏa ra các nhóm cổ phiếu khác. Do đó, khi 2 nhóm cổ phiếu trên chấm dứt nhịp tăng, thậm chí điều chỉnh giảm, lập tức tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng trở lại.