Nhà vườn Nguyễn Thị Ái Chung, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè trồng 0,7 ha với hơn 120 cây măng cụt đã 10 năm tuổi. Chị Chung cho biết, tuy măng cụt năm nay bán được giá, nhưng lượng trái thu hoạch mỗi ngày chỉ được khoảng 120 kg, giảm đến 60 % so với năm trước.
Theo chị Chung, không chỉ gia đình chị mà hầu hết nhà vườn trồng măng cụt trong huyện Cầu Kè đều bị mất mùa, không thu được lợi nhuận. Nguyên nhân là do từ tháng 11/2020, nước mặn đã xâm nhập sâu vào các sông và các kênh thuỷ lợi đầu mối, thêm nắng nóng kéo dài, măng cụt trong giai đoạn hoa cho trái non, thiếu nước tưới nên thiệt hại nặng về năng suất và chất lượng trái.
Theo khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, toàn huyện có gần 500ha măng cụt cho trái ở độ tuổi từ 8 đến trên 15 năm. Năng suất bình quân măng cụt cho trái đạt 10 - 11 tấn/ha. Năm nay, năng suất măng cụt giảm trên 50 %, chất lượng trái kém hơn, quả không to, thiếu độ bóng nên dù giá bán đến 40.000 đồng/kg, nhưng ước các nhà vườn trồng măng cụt trong huyện thất thu trên 40 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền, huyện Cầu Kè có thế mạnh về vườn cây ăn trái đứng đầu tỉnh, với hơn 9.100 ha cây ăn trái đặc sản như: dừa sáp, măng cụt, bưởi da xanh, cam sành, chôm chôm Java... cho sản lượng trái mỗi năm khoảng 150.000 tấn.
Tuy nhiên những năm qua, giá trị vườn cây ăn trái đem lại cho nông dân chưa cao do chưa ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật và xây dựng chuỗi liên kết bền vững đầu ra cho sản phẩm. Vì vây, giá trị sản lượng cây ăn trái đặc sản của huyện Cầu Kè hiện chỉ mới đạt khoảng 120 triệu đồng/ha/năm.
Trong kế hoạch phát triển diện tích 20.000 ha vườn cây ăn trái giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đã quy hoạch vùng cây ăn trái đặc sản tại huyện Cầu Kè khoảng 4.000 ha và gắn với du lịch.
Để thực hiện hiệu quả chương trình phát triển vườn cây ăn trái đặc sản, tỉnh huy động nguồn vốn đầu tư khoảng trên 620 tỷ đồng để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng về đê bao, hệ thống thủy lợi khép kín, điện sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện các chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất về cây giống chất lượng cao, xây dựng cơ sở thu mua, chế biến và xuất khẩu…, nhằm nâng giá trị sản lượng cây ăn trái đặc sản của huyện Cầu Kè và chung của tỉnh đạt mức thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha/năm.