Cụ thể: mới có Bộ Tài chính và 9 địa phương ban hành quy định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh về tài sản có giá trị lớn để phân định thẩm quyền phê duyệt “Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công vào mục đích kinh doanh, cho thuê”. Các tỉnh đó là: Lào Cai, Nam Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Tiền Giang, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, có 9 địa phương đang xây dựng dự thảo; 2 địa phương đang xin ý kiến dự thảo; 2 địa phương đang trình UBND tỉnh; 37 địa phương chưa thực hiện.
Như vậy, nhiều địa phương đến nay vẫn chưa ban hành kịp thời các văn bản phân cấp thẩm quyền để thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Không chỉ vậy, một số nơi còn sử dụng quy định phân cấp đã ban hành trước thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực. Điều này có thể dẫn đến sai thẩm quyền khi quyết định mua sắm, thuê, sử dụng, xử lý tài sản công, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Liên quan việc cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu Quốc gia về tài sản công phải hoàn thành trước ngày 15/3, phía Bộ Tài chính cho rằng: Hiện vẫn còn Bộ Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công an; Hội Cựu chiến binh Việt Nam và tỉnh Bạc Liêu chưa cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu. Như vậy tính đến nay đã có 31 bộ, ngành và 63 địa phương thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công.
Theo quy định, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản công đã cập nhật thông tin đối với 7 loại tài sản, gồm: Đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thời gian qua, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý, sử dụng tài sản, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng tài sản công. Thông qua cơ sở dữ liệu, các cơ quan chức năng Nhà nước, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản đã nắm được tổng thể và chi tiết về chủng loại, số lượng, hiện trạng sử dụng tài sản công tại các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp.
Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc quản lý tài sản công cần được phân cấp mạnh hơn nữa, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền quyết định phương án xử lý, sắp xếp tài sản công của bộ, ngành, địa phương mình; quyết định hình thức bán đấu giá tài sản trên đất để nộp vào ngân sách nhà nước. Một số quy định cần phải được làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng, đặc biệt là việc sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất thuộc doanh nghiệp nhà nước 100% do Nhà nước sở hữu cũng như trên 50% vốn của nhà nước. Mô hình các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chuyển sang mô hình công ty mẹ, công ty con cũng cần hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
“Việc ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng do trách nhiệm của một số bộ, ngành ban hành trong quá trình triển khai còn chậm. Việc sắp xếp cơ sở nhà, đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện; đồng thời có biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ để sử dụng tài sản công đúng mục đích, có hiệu quả”, ông Trần Xuân Hà nói.
Từ ngày 1/9, cho mượn ô tô công có thể bị phạt đến 60 triệu đồng
Tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, ô tô công sẽ bị phạt tiền đến 60 triệu đồng. Đó là nội dung của Nghị định 63/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính vừa được Chính phủ ban hành trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Nghị định có hiệu lực từ 1/9/2019.