Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (1/7), giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,35 - 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 100 nghìn đồng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,4 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Sau khi xuất hiện xu hướng tăng giá trong sáng giao dịch đầu tuần (26/6), giá vàng nhanh chóng quay đầu giảm trong phiên giao dịch 27/6. Tiếp đó, từ sáng 28/6, giá vàng liên tục giữ mức giao dịch đi ngang đến cuối tuần (1/7).
Như vậy, giá vàng trong nước cả tuần giảm nhẹ 50 nghìn đồng/lượng, cùng lúc dữ liệu của Dow Jones Market cũng ghi nhận giá vàng giao kỳ hạn giảm nhẹ 20 xu trong tuần qua.
Nhìn chung, quý II/2023, giá vàng đã giảm 2,5%, rời khỏi mức 2.072 USD/ounce được ghi nhận vào tháng 5/2023 do lo ngại về tình hình ngành ngân hàng tại Mỹ.
Chỉ số đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đều tăng trong quý này, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với nhà đầu tư nắm giữ những đồng tiền khác.
Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ bị đình trệ trong tháng 5/2023, trong khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 4,3% của tháng 4/2023.
Giá vàng tăng sau dữ liệu trên, khi nhà đầu tư kỳ vọng rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ít bị ràng buộc hơn với phương án nâng lãi suất vào tháng 7 tới, với khả năng Fed tăng lãi suất đã giảm từ gần 90% trước đó xuống còn 84%.
Việc tăng lãi suất làm tăng lợi suất trái phiếu và tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý, vốn không sinh lời này.
Người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Ngân hàng Saxo nhận định, trong ngắn hạn, khả năng Mỹ nâng lãi suất nhiều hơn kết hợp với đà tăng lợi suất tiếp tục đặt ra thách thức đối với vàng.