Thị trường kim loại bất ngờ chứng kiến đà tăng vọt hơn 8% của giá bạc khi vai trò trú ẩn của mặt hàng này được thúc đẩy sau loạt dữ liệu sản xuất mới của Mỹ trong tháng 9. Trong khi đó, những lo ngại về nguồn cung thắt chặt quay trở lại thị trường dầu đã kéo giá dầu WTI tăng hơn 5% trong phiên. Biến động hấp dẫn của giá cả, đặc biệt là nhóm năng lượng tiếp tục thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư tăng gần 10% so với ngày trước đó. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức hơn 4.100 tỷ đồng.
Đồng Dollar Mỹ suy yếu hỗ trợ mạnh cho nhóm kim loại quý
Kết thúc phiên giao dịch ngày 03/10, bảng giá kim loại đang cho thấy sự phân hoá giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản. Bạc tăng vọt hơn 8% lên mức 20.58 USD/ounce, ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 2/2021. Bạch kim cũng kết phiên với tăng khá lớn, 4,75% lên mức 911,3 USD/ounce.
Vào hôm qua, dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn 2 năm vào tháng 9. Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng PMI sản xuất của Viện quản lý cung ứng Mỹ (ISM) cung cấp đã giảm mạnh từ 52,8 xuống 50,9 trong tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 và tiêu cực hơn nhiều so với kỳ vọng ở mức 52,2 trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng, gây áp lực tới chi phí vay. Chỉ số việc làm sản xuất của ISM cũng đã về dưới ngưỡng 50, đạt mức 48.7, thấp hơn con số 54,2 vào tháng 8. Điều đó cũng làm dấy lên lo ngại về nhu cầu lao động tại các nhà máy sẽ tác động tiêu cực tới bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào cuối tuần này.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), dữ liệu bất ngờ kém khả quan đã khiến các nhà đầu tư cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ thu hẹp tốc độ tăng lãi suất hơn dự kiến trong giai đoạn cuối năm nhằm tránh rủi ro suy thoái. Điều đó đã kéo Dollar Index giảm 0,% và mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm giảm mạnh 18 điểm xuống còn 3,64%. Đây là nguyên nhân cơ bản hỗ trợ mạnh cho giá kim loại quý tăng vọt trong phiên khi vai trò trú ẩn được củng cố và chi phí cơ hội cho việc nắm giữ giảm, nhất là khi nhiều chuyên gia nhận định rằng bạc và bạch kim đang ở mức “quá bán” trong giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh đó, mức tăng của bạch kim cũng được hỗ trợ bởi thông tin nhập khẩu bạch kim của Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 9, đạt mức 27 tấn trong tháng 9, cao gấp gần 24 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do vào tháng 7, New Delhi đã tăng thuế nhập khẩu vàng lên 15% nhưng giữ nguyên thuế nhập khẩu bạch kim ở mức 10,75%. Do đó, các nhà máy tinh chế tại quốc gia này đã nhập khẩu một lượng lớn vàng có chứa một lượng nhỏ bạch kim nhưng đã đăng ký giao dịch với hải quan dưới dạng hợp kim bạch kim để tránh phải trả thuế cao hơn.
Giá dầu tăng mạnh trước tâm điểm cuộc họp của nhóm OPEC+
Giá dầu đã được hỗ trợ mạnh trong phiên ngày 03/10 khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) chuẩn bị tiến hành cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 03/10, giá WTI tăng 5,21% lên 83,63 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 4,37% lên 88,86 USD/thùng.
Dầu thô mở cửa với mức tăng cách biệt ngay trong phiên đầu tuần khi có thông tin cho biết OPEC+ đang cân nhắc cắt giảm sản lượng cho toàn bộ thành viên nhóm ở mức hơn 1 triệu thùng/ngày, và đặc biệt Saudi Arabia có thể tự nguyện cắt giảm thêm nếu cần thiết. Tuần trước, hầu hết giới đầu tư và phân tích chỉ kỳ vọng một con số “khiêm tốn” hơn ở mức 500.000 thùng/ngày. Khả năng Saudi Arabia tự cắt giảm sản lượng hỗ trợ rất lớn cho tâm lý thị trường, đặc biệt khi động thái này thể hiện rõ quyết tâm của nước này trong việc đẩy giá tăng, và có thể giúp cho 20 thành viên và đồng minh dễ dàng đồng ý tham gia vào kế hoạch cắt giảm sản lượng hơn.
Trong khi đó, theo số liệu của Bloomberg, các nhà máy lọc dầu của châu Âu đang cắt giảm mạnh đơn hàng nhập khẩu từ Nga khi chỉ còn 2 tháng là lệnh cấm nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực. Trong tuần kết thúc ngày 30/09, lượng dầu vận chuyển từ Nga sang khu vực Bắc Âu đã giảm xuống dưới mức 200.000 thùng/ngày, thấp hơn 1 triệu thùng/ngày so với số liệu đầu năm. Thị trường đang dần định giá trở lại các yếu tố cơ bản, với rủi ro thiếu hụt nguồn cung và một loạt các bất ổn mới. Theo MXV, khả năng giá dầu quay trở lại vùng 90 – 100 USD/thùng trong năm nay vẫn còn.
Tuy vậy, lo ngại về suy thoái kinh tế vẫn sẽ là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá dầu. Chỉ số PMI sản xuất của khu vực châu Âu trong tháng 9 tiếp tục cho thấy sự suy giảm trong hoạt động, với số liệu thực tế ở mức 48.4, thấp hơn kỳ vọng 48,5 của thị trường. Số liệu của Viện Quản lý Cung ứng cho thấy PMI Mỹ trong tháng trước đạt 50,9, thấp hơn so với kỳ vọng 52,2 của thị trường, có thể gợi ý các hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn trong bối cảnh môi trường lãi suất cao.
Giá xăng dầu nội địa giảm sẽ tiếp tục hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng
Theo MXV, so với mức đỉnh được thiết lập vào hồi tháng 3, giá dầu trên thế giới hiện vẫn đang ở mức thấp hơn khoảng 35%.
Trong bối cảnh đó, trên thị trường nội địa, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tiếp tục giảm giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 03/10. Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.050 đồng/lít, xuống còn 20.730 đồng/lít, xăng RON95 giảm 1.140 đồng/lít còn 21.440 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã trải qua 26 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 12 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở mức thấp nhất trong 1 năm trở lại đây, tương đương với thời điểm vào tháng 9/2021.
Việc giá xăng dầu liên tiếp giảm là tin vui với người dân trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi tích cực, giúp cho giá nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ giảm theo và kích cầu tiêu dùng. Điều đó sẽ góp phần hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế bứt tốc trong giai đoạn quý IV nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng cả năm.