Khép lại phiên này, giá dầu Brent giảm 82 xu Mỹ (tương đương 0,98%) xuống 83,21 USD/thùng, cải thiện hơn mức giảm 2,5% trước đó trong phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 75 xu Mỹ (0,9%) xuống 78,89 USD/ounce sau khi từng giảm 3,4% hồi đầu phiên.
Số liệu thống kê chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 1,5 triệu thùng khi kết thúc tuần tính đến ngày 18/8. Trong khi đó, ước tính của các nhà phân tích là giảm 888.000 thùng.
Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm 6,1 triệu thùng vào cùng giai đoạn, chủ yếu do hoạt động lọc dầu tăng mạnh và mức xuất khẩu cao. Các nhà phân tích đã dự đoán về mức giảm 2,8 triệu thùng.
Giới quan sát chỉ ra rằng trong khi các nhà máy lọc dầu của Mỹ tiếp tục hoạt động với tốc độ cao và giảm lượng dầu tồn kho, nhu cầu nhiên liệu không quá mạnh vì điều kiện kinh tế nhìn chung vẫn khó khăn.
Số liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ tiến gần đến điểm trì trệ trong tháng 8/2023, với mức tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng Hai.
Bên ngoài nước Mỹ, Nhật Bản báo cáo hoạt động nhà máy suy giảm tháng thứ ba liên tiếp. Hoạt động kinh doanh tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng sụt giảm nhiều hơn dự kiến, đặc biệt là ở Đức. Nền kinh tế Anh có vẻ sẽ suy giảm trong quý hiện tại và đối mặt nguy cơ rơi vào suy thoái.
Hiện các thị trường đang tìm kiếm gợi ý về triển vọng chính sách lãi suất khi các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các nhà hoạch định chính sách từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhóm họp tại Jackson Hole, Wyoming từ ngày 24 - 26/8 (giờ địa phương).
Cuộc thảo luận đã chuyển sang việc giữ lãi suất quanh mức hiện tại trong thời gian dài hơn so với ước tính trước đây, thay vì tăng thêm.