Trường hợp mới chuẩn bị phạm tội, mức phạt tù sẽ bị áp dụng từ 6 tháng đến 3 năm. Còn đối với pháp nhân thương mại, tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cao nhất có thể bị phạt tiền đến 20.000.000.000 đồng và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn theo quy định tại khoản 6 Điều 324 BLHS.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Theo quy định khoản 1 Điều 4 Luật phòng, chống rửa tiền 2012 và Điều 324 BLHS năm 2015, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có.
- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác.
- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
- Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có.
- Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
“Hiện, hành vi rửa tiền của các đối tượng ngày càng tinh vi và khó phát hiện, núp bóng dưới nhiều hình thức giao dịch, đặc biệt là sử dụng công nghệ cao như thẻ tín dụng. Theo đó, thủ đoạn rửa tiền của chúng thường hợp pháp hóa chuyển sang tiền ‘sạch’ bằng cách mua bất động sản, chuyển cho người thân, đầu tư vào các dự án, hợp đồng kinh tế ‘ma, thực hiện các giao dịch tại ngân hàng hay thậm chí là chơi chứng khoán. Do đó, việc xử lý các đối tượng này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát các giao dịch lớn bất thường, liên tục để kịp thời ngăn chặn phát hiện hành vi của các đối tượng này để xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Trước đó, Báo cáo "kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017" từng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho rằng: Ngân hàng chiếm gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền, cao hơn các lĩnh vực khác.
Mặc dù không phải tất cả các khoản tiền thu bất chính đều được tội phạm đưa vào chu trình tẩy rửa tiền, song điều này cũng chứng tỏ, so với các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, khả năng tội phạm lựa chọn hệ thống ngân hàng nhằm hợp pháp hóa các khoản thu bất chính để biến những đồng “tiền bẩn” trên thành “tiền sạch” là cao hơn.
Ngoài ra, bất động sản được xem là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.
Đối với các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như các vụ đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản. Do đó, nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản là được NHNN đánh giá ở mức cao...