Cụ thể, giá vàng giao ngay có lúc giảm 0,2% xuống 2.030,70 USD/ounce còn giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống đóng phiên ở mức 2.037,10 USD/ounce.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA nhận định Fed có khả năng phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, vàng cần nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn nữa để thúc đẩy đà tăng giá.
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/5 cho biết giá tiêu dùng của nước này tiếp tục tăng trong tháng Tư do chi phí nhiên liệu và giá thuê nhà tăng, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng Tư, sau khi tăng 0,1% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 4,9% trong tháng Tư, giảm nhẹ so với mức tăng 5% của tháng Ba.
Ông Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo, cho biết vàng có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn với lạm phát cơ bản không thay đổi so với tháng trước và cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.
Trong khi vàng được coi là một công cụ hữu hiệu để chống lạm phát, lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng vàng có thể vọt lên mức cao kỷ lục một lần nữa, giữa những lo ngại dai dẳng về kinh tế, bao gồm cả nguy cơ vỡ nợ của Mỹ.
Theo nhà phân tích Rhona O'Connell của công ty nghiên cứu thị trường kim loại quý StoneX, cần chú ý nhiều hơn đến tình trạng của hệ thống ngân hàng và các cuộc đàm phán về trần nợ công ở Mỹ.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 11/5, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,50 - 67,10 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).