Bên cạnh đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) rất lạc quan về khả năng nhu cầu năng lượng phục hồi ở các nền kinh tế lớn.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,42 USD (1,6%) lên 92,06 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,55 USD (1,8%) lên 88,84 USD/thùng. Cả hai loại dầu này vẫn có sức mua cao trong ngày thứ tám liên tiếp và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tăng trưởng mạnh trong năm 2023 và 2024, với các dấu hiệu cho thấy nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng mạnh hơn dự kiến. Báo cáo hàng tháng của OPEC dự báo rằng nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty OANDA, cho biết, giá dầu thô đang tăng sau khi báo cáo hàng tháng của OPEC cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt hơn rất nhiều so với ban đầu.
Saudi Arabia và Nga tuần trước đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Libya, thành viên của OPEC đã đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu ở phía Đông đất nước do một cơn bão mạnh, trong khi Kazakhstan, một thành viên của Nhóm OPEC và các đối tác (OPEC+), cắt giảm sản lượng dầu hàng ngày để bảo trì hệ thống.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng từ 99,9 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 101,2 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 102,9 triệu thùng/ngày vào năm 2024, trong khi nhu cầu thế giới sẽ tăng từ 99,2 triệu thùng/ngày vào năm 2022 lên 101,0 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và 102,3 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
EIA cũng dự báo dự trữ dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm gần nửa triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2023, khiến giá dầu tăng, và dầu Brent trung bình sẽ là 93 USD/thùng trong quý IV/2023.
Các nhà giao dịch dầu mỏ đang chờ đợi Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố dự trữ dầu của nước này và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự báo cung-cầu vào thứ Tư (13/8).