Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 1,74 USD, tương đương 2,15%, lên 82,73 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 1,70 USD, tương đương 2,29%, lên 75,81 USD/thùng.
Edward Moya, nhà phân tích tại OANDA, cho biết: “Giá dầu thô đang tăng do kỳ vọng rằng sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc sẽ được giữ vững và nguồn cung bị siết lại sau trận động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ”.
Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay đến từ Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay đang tăng.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, lần đầu tiên tăng giá dầu thô đối với người mua chủ lực tại châu Á trong 6 tháng, giữa bối cảnh kỳ vọng nhu cầu phục hồi, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Hoạt động tại kho cảng xuất khẩu dầu Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ có công suất 1 triệu thùng mỗi ngày đã bị tạm dừng sau khi một trận động đất lớn diễn ra trong khu vực này. Cảng BTC, nơi xuất khẩu dầu thô Azeri ra thị trường quốc tế, sẽ đóng cửa vào ngày 6-8/2.
Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại ngân hàng ANZ ở Sydney (Australia), cũng chỉ ra việc đóng cửa Giai đoạn 1 mỏ dầu Johan Sverdrup ở khu vực Biển Bắc của Na Uy, với công suất 535.000 thùng/ngày, là động lực chính thúc đẩy giá dầu.
Các nhà phân tích cho biết, thị trường dầu mỏ sẽ theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày 8/2. Việc tăng lãi suất thường củng cố đà tăng của đồng USD, điều có thể khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tina Teng, nhà phân tích tại CMC Markets, cho biết: "Sự phục hồi của giá dầu diễn ra một cách thận trọng trước bài phát biểu của ông Powell vào 8/2, khi Chủ tịch Fed có thể cung cấp thêm manh mối về lộ trình tăng lãi suất trong tương lai".