Phố Wall tăng điểm phiên cuối tuần, S&P 500 tiếp tục xác lập mức cao kỷ lục mới

Mặc dù cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Phố Wall đều khép phiên cuối tuần này ở mức cao hơn, song chỉ có hai trong ba chỉ số này ghi nhận tuần thăng hoa, sau khi thị trường trồi sụt thất thường trong cả tuần qua.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Bất chấp những nỗ lực của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhằm xoa dịu những lo ngại về khả năng lãi suất tăng do lạm phát nhảy vọt, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn dao động ngược hướng trong hai phiên giao dịch đầu tuần ngày 7-8/6.

Dù lạc quan về sự phục hồi của kinh tế toàn cầu và việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã thúc đẩy thị trường đi lên, giới giao dịch vẫn lo ngại rằng đà phục hồi này sẽ khiến giá cả leo thang. Khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed  - ngân hàng trung ương) và các ngân hàng trung ương khác sẽ phải điều chỉnh các biện pháp kích thích và tăng chi phí đi vay. Ông Neil Wilson, nhà phân tích thị trường tại Markets.com nhận xét rằng, lo ngại về lạm phát vẫn là tâm điểm của thị trường. Yếu tố này cũng có thể chi phối tâm lý nhà đầu tư theo hướng tiêu cực hơn và tạo nhiều biến động trong tuần này.

Tuy nhiên, bà Yellen trấn an rằng, bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào phát sinh từ kế hoạch của Tổng thống Biden sẽ chỉ là tạm thời, và lãi suất cao hơn sẽ là tin tích cực theo quan điểm của Fed. Bộ trưởng Tài chính Mỹ lưu ý nền kinh tế này đã phải đối mặt với lạm phát và lãi suất quá thấp trong suốt một thập kỷ qua.

Mối quan ngại về lạm phát tiếp tục duy trì trước khi Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2021, khiến Phố Wall chìm vào sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 9/6.

Tuy nhiên, thị trường đã phục hồi trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, khi nhà đầu tư bỏ qua báo cáo lạm phát quan trọng cho thấy áp lực giá cả tăng mạnh hơn dự báo.

Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 đã tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ mùa Hè năm 2008, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi từ cuộc suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra. CPI, đại diện cho một rổ hàng hóa bao gồm thực phẩm, năng lượng, hàng tạp hóa và giá trên nhiều loại hàng hóa khác nhau, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn dự báo tăng 4,7% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.

Một báo cáo khác cũng công bố vào ngày 10/6 cho thấy, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 5/6 là 376.000 người, cao hơn một chút so với dự báo 370.000 người thất nghiệp mới từ Dow Jones. Con số này vẫn đánh dấu mức thấp nhất trong thời kỳ đại dịch.

Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần (ngày 11/6), thị trường cổ phiếu tiếp tục khởi sắc, với chỉ số S&P 500 chạm mức cao kỷ lục mới.

Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 tiến 0,2%, đóng cửa ở mức cao kỷ lục phiên thứ 2 liên tiếp là 4.247,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,4% lên 14.069,42 điểm với cổ phiếu Apple, Microsoft và Netflix đều tăng. Chỉ số Dow Jones tăng 13,36 điểm, lên 34.479,60 điểm.

Craig Johnson, chiến lược gia thị trường kỹ thuật tại Piper Sandler, nhận định rằng mặc dù báo cáo CPI tháng 5 cao hơn so với dự báo, thị trường không quá ngạc nhiên và chấp nhận dữ liệu hiện chỉ là tạm thời.

Việc Phố Wall tăng điểm dường như được hỗ trợ bởi phản ứng trên thị trường trái phiếu đối với báo cáo lạm phát nóng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 1,43%, đánh dấu mức thấp nhất trong 3 tháng. Lợi suất trái phiếu Mỹ đã dao động trên mức 1,77% hồi đầu năm.

Các công ty công nghệ có xu hướng hoạt động kém trong môi trường lãi suất cao vì lãi suất cao hơn làm giảm giá trị hiện tại của dòng tiền kỳ vọng đối với các công ty định hướng tăng trưởng. Nasdaq Composite đã giảm tương đối trong năm 2021 trong số các chỉ số chính khi lợi suất trái phiếu tăng.

Một số cổ phiếu "meme" (cổ phiếu theo xu hướng) đã phục hồi sau một phiên khó khăn vào ngày 10/6. Cổ phiếu AMC tăng hơn 15% và cổ phiếu GameStop tăng gần 6%. Cả 2 cổ phiếu đã giảm tới hàng chục phần trăm vào ngày 10/6 khi động lực của các nhà đầu tư Reddit giảm dần.

Tính chung cả tuần qua, S&P 500 tăng 0,4% và đánh dấu tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, Nasdaq Composite có kết quả vượt trội khi cộng gần 1,9% và ghi nhận bốn tuần leo dốc liên tiếp. Trong khi, Dow Jones lại giảm 0,8% trong tuần qua.

Minh Trang (TTXVN)
Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đi lên chiều 11/6
Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đi lên chiều 11/6

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 11/6 nối gót đà tăng trên Phố Wall khi các nhà đầu tư “phớt lờ”số liệu lạm phát của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN