Thực phẩm hạ nhiệt; người dân thắt chặt chi tiêu
Vào đầu tháng 12/2022, do rét đậm, rét hại khiến giá rau xanh liên tục tăng chóng mặt. Tuy nhiên trong những ngày đầu năm mới 2023, giá nhiều loại rau, củ quả đã hạ nhiệt. Đặc biệt, một số loại rau như: Cải chíp, cải cúc, cải ngọt...giảm 50% so với thời điểm giữa tháng 12/2022.
Tại chợ Hôm, chợ Trại Găng (Thanh Nhàn), chợ Mơ cũ (phố Bạch Mai), giá rau cải cúc và cải xanh rẻ nhất, được bán với giá từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/mớ. Bà Trịnh Thị Toan – nội trợ (phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Cách đây hơn 1 tuần, giá rau cải cúc, cảnh xanh là 10.000 đồng/mớ; cải xoong 12.000 đồng/mớ, giảm 8.000 đồng/mớ so với đợt rét gần đây; rau muống 12.000 đồng/mớ; mồng tơi 8.000 đồng/mớ. So với đợt lạnh mới đây, giá rau tại Hà Nội giảm khá nhiều”.
“Giá rau xanh thường hay biến động, nhất là tiết trời mưa rét, nguồn cung hiếm, giá lại tăng. Trong khi đó, giá phân đạm bón cho cây tăng liên tục. Nếu như mọi năm, giá phân đạm, lân trung bình chỉ 9.000 đến 10.000 đồng/kg thì nay là 20.000 đến 25.000 đồng/kg, do vậy người trồng rau không mặn mà trồng nhiều nên có lúc sản lượng ít. Riêng rau cải ngọt có thời điểm lên tới 28.000 đồng/kg thì nay là 14.000 đồng/kg”, tiểu thương bán rau chợ Mơ cũ, phố Bạch Mai cho biết.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, chủ cửa hàng bán phở bò, Nguyễn Lệ Linh, số 5A, ngõ 77 Đặng Xuân Bảng, quận Hoàng Mai cho biết: “Ngày Rằm cuối cùng của năm Nhâm Dần, giá thịt bò tái tôi mua ở chợ Đại Từ để về làm hàng là 25.000 đồng/kg; bò bắp là 30.000 đồng/kg; dẻ sườn bò 170.000 đồng/kg. Giá cả các loại thịt bò không tăng dù giáp Tết. Riêng mặt hàng cà chua, chanh quả có tăng. Hiện, giá cà chua là 20.000 đồng/kg, trước từ 15.000 đến 16.000 đồng/kg; chanh quả hiện 26.000 đồng/kg, trước là 20.000 đồng/kg”.
Tại chợ “cóc” Lò Lợn, quận Hai Bà Trưng, giá các loại tỏi, gừng vẫn ổn định, riêng hành tím đắt hơn mọi năm. Giá hành tím (Hải Dương) được bán từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg; tỏi ta 60.000 đồng/kg; tỏi lai 40.000 đồng/kg; giá gừng 20.000 đến 25.000 đồng/kg.
Chủ cửa hàng giò chả, anh Lê Hồng Bão (chợ Lò Lợn) cho biết: “Lượng bán hàng ngày Rằm tháng Chạp năm Nhân dần, tức ngày 6/1/2023 sôi động hơn nhưng so với Rằm cùng kỳ của một số năm trước thì chậm hơn. Thậm chí đợt COVID-19 năm 2020 và 2021, sức mua tăng hơn nhiều. Hiện giá giò tai, giò lụa là 150.000 đồng/kg; chả mỡ 120.000 đồng/kg; giá bánh chưng từ 30.000 đến 40.000 đồng/chiếc, tùy loại; xôi gấc 15.000 đến 20.000 đồng/đĩa. Hiện nguyên liệu đầu vào làm giò chả không biến động”.
Thị trường giá hoa quả nhân ngày Rằm tháng Chạp không biến động. Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chủ sạp bán hoa quả Nguyễn Thị Ngọ, ngõ Yên Ninh, phố Hàng Bún cho biết: Loại cam vàng, cam xanh loại ngon được người dân lựa chọn khác nhiều, dao động từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg; táo giòn Mỹ cỡ to được bán với giá từ 140.000 đến 150.000 đồng/kg; kích cỡ nhỏ giá là 120.000 đến 130.000 đồng/kg; giá cam canh là 75.000 đến 80.000 đồng/kg. “Sức mua ngày Rằm tăng gấp đối so với ngày thường nhưng ế nhiều so với cùng kỳ năm trước”, chị Ngọ than thở.
Giá thịt lợn dịp Tết Nguyên đán ra sao?
Hiện nay, dù giá lợn hơi đã giảm mạnh về gần 50.000 đồng/kg, nhưng tại các chợ, cửa hàng, giá thịt vẫn ở mức cao. Theo đó, giá lợn hơi ba miền hiện dao động từ 50.000 - 59.000 đồng một kg, giảm 15 - 20% so với đầu tháng 10/2022, thời điểm giá ở mức cao trong năm.
Những ngày cận Tết, giá thịt lợn thường tăng theo giá lợn hơi xuất chuồng do mức tiêu thụ mặt hàng này tăng cao. Điều ngược lại xảy ra với giá thịt lợn năm nay khi giá lợn hơi giảm kéo theo giá thịt lợn giảm. Nguyên nhân do sức mua thị trường yếu trong khi nguồn cung cấp thịt lợn dồi dào, dù chi phí thức ăn vẫn ở mức cao.
Theo một số tiểu thương bán thịt lợn tại chợ lớn như: Chợ Hôm, Hàng Bè, mặc dù chỉ 2 tuần nữa đến Tết Nguyên đán nhưng sức mua đang rất yếu. Các cơ sở sản xuất giò chả năm nay cũng giảm sản lượng khiến đầu ra của lợn hơi chậm.
Bà Nguyễn Thanh Huyền, tiểu thương bán thịt tại chợ Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết: “Thời điểm tháng 8/2022, giá thịt lợn lên đến trên 200.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã giảm rất nhiều, chỉ còn ở mức 130.000 -160.000 đồng/kg. Dù giá thịt giảm mạnh nhưng chợ vẫn ế người mua, các sạp thịt cũng không dám bán nhiều ở thời điểm hiện tại".
Khảo sát ở chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa), chợ Quan Nhân (phường Nhân Chính), chợ Hà Đông (quận Hà Đông) cho thấy: Giá thịt lợn ba chỉ, mông, sấn, thịt vai đang được tiểu thương chào hàng ở ngưỡng 149.000 – 155.000 đồng/kg. Mức trung bình được bán ra là 150.000 đồng/kg. Sườn non có giá bán từ 120.000 – 130.000 đồng/kg. Mặc dù giá thịt lợn hơi ở Hà Nội và các tỉnh vùng ven dao động quanh mức 50.000 – 56.000 đồng/kg, giảm đến 20% so với đầu tháng 10/2020 nhưng giá thịt lợn thành phẩm vẫn dao động quanh mức 150.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn - NN-PTNT), ước tính tổng đàn lợn cả nước đến cuối tháng 10/2022 tăng khoảng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021; tổng số gia cầm của cả nước ước tính tăng khoảng 5,2%. Nguồn cung tăng trong khi sức mua yếu đang gây áp lực lớn đến giá bán. Tổng đàn lợn cả nước hiện nay khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Với đà tăng trưởng hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo.
Năm 2023, sản lượng thịt lợn hơi ước tăng 4% so với năm 2022. Giá lợn được kỳ vọng tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung. Các hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại tái đàn do giá lợn giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Các chuyên gia thương mại cho rằng: Giá lợn hơi tăng hay giảm đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường. Sức mua giảm, giá lợn hơi giảm theo tỷ lệ thuận. Đó là quy luật tất yếu của thị trường. Với tình hình giá lợn giảm, giá thức ăn nuôi vẫn neo cao, người chăn nuôi theo hình thức nông hộ khó tái đàn. Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão, giá thịt lợn hơi sẽ tăng trở lại nhưng mức tăng không cao đột biến.
Để ổn định nguồn cung thị trường trong bối cảnh giá lợn đang giảm, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các tỉnh, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường, khuyến cáo người dân chăm sóc và tái đàn phù hợp; tìm các biện pháp giảm chi phí đầu vào, bảo đảm người chăn nuôi có lãi.
*Clip không khí mua bán của người dân nhân ngày Rằm tháng Chạp: