Theo Wall Street Journal, tại sàn giao dịch chứng khoán New York, chỉ số Dow Jones đã mở cửa phiên giao dịch ở mức 1.758 điểm, giảm 6,8%. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 7%, khiến sàn giao dịch tạm dừng hoạt động trong vòng 15 phút.
Trước đó, chốt phiên giao dịch chiều, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1.050,99 điểm, hay 5,07%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2018, xuống 19.698,76 điểm, dưới ngưỡng tâm lý 20.000 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1.106,21 điểm, hay 4,23%, mức giảm mạnh nhất trong hơn hai năm, xuống 25.040,46 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 85,45 điểm, hay 4,19%, xuống 1.954,77 điểm, mức chốt phiên thấp nhất trong sáu tháng. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải để mất 3%, xuống 2.943,29 điểm.
Các thị trường khác trong khu vực cũng giảm điểm mạnh, với Sydney (Australia) giảm 7,3%, Bangkok (Thái Lan) giảm hơn 8%, Singapore và Jakarta (Indonesia) giảm hơn 5%, trong khi Manila (Philippines) và Mumbai (Ấn Độ) để mất hơn 6%.
Thị trường London (Anh) và Frankfurt (Đức) mở cửa giảm hơn 8%, trong khi Paris (Pháp) mất 4,2%
Thị trường "vàng đen" cũng chứng kiến sự lao dốc mạnh khi giá dầu tại thị trường châu Á trong phiên chiều 9/3 đã giảm gần 1/3, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sau khi Saudi Arabia giảm mạnh giá bán dầu do bất đồng với Nga về vấn đề cắt giảm sản lượng.
Tại thị trường Tokyo, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 11, USD (25%) xuống 33,89 USD/thùng vào lúc 14 giờ 32 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 11,12 USD (27%) xuống 30,16 USD/thùng. Tại thị trường Singapore trong phiên chiều, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm khoảng 30%, trong khi dầu Brent giảm 26%.
Giữa lúc dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, các nhà giao dịch bán ra các tài sản rủi ro và tìm đến các tài sản an toàn, khiến giá vàng và đồng yen tăng mạnh, trong khi kéo lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm xuống mức thấp kỷ lục.