Nông dân Nguyễn Văn Phúc, cư ngụ tại xã Cẩm Sơn canh tác khoảng 5.000 m2 sầu riêng chuyên canh. Trong những ngày qua, ông thu hoạch được khoảng 7 tấn quả, bán với giá 90.000 đồng/kg, thu 630 triệu đồng. Đây là mức giá rất cao và tăng hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn anh Lê Văn Hai, cư ngụ tại xã Long Tiên cho biết, sầu riêng loại tốt nhất, thương lái có thể đến tận vườn mua với giá đến 92.000 đồng/kg.
Cẩm Sơn và Long Tiên là hai xã vùng trọng điểm trồng chuyên canh sầu riêng của huyện Cai Lậy – một cây trồng có giá trị xuất khẩu cao và cho lợi nhuận cao trong các cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Sầu riêng được trồng thành vùng chuyên canh với những giống chất lượng cao như: Ri6, Mong Thong. Diện tích tập trung tại các huyện, thị phía Tây tỉnh là Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy.
Tỉnh Tiền Giang thông qua Hội Làm vườn huyện Cai Lậy cũng đã xây dựng thương hiệu “Sầu riêng Cai Lậy”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2019. Ước tính, toàn vùng hiện có khoảng 14.000 ha sầu riêng chuyên canh.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá khoảng 90.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi hecta sầu riêng đạt giá trị sản xuất đến 1,8 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, nông dân lãi không dưới 1 tỷ đồng.
Nhờ vùng chuyên canh sầu riêng, 100% số xã phía Nam Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy đã xây dựng thành công và ra mắt xã nông thôn mới. Trong năm 2020, xã chuyên canh sầu riêng Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) cũng đã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới nâng cao.
Thông thường, vụ nghịch đối với cây sầu riêng bắt đầu khoảng tháng 11 năm trước và kéo dài đến tháng 4 năm sau. Tuy giá sầu riêng vụ nghịch đang tăng mạnh nhưng phần lớn nông dân vùng chuyên canh chưa có thu hoạch.
Nguyên nhân, thời điểm này vùng phần lớn vườn sầu riêng phía Nam Quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy vẫn còn chịu ảnh hưởng đợt hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt năm qua; trong đó, một bộ phận diện tích chết phải trồng lại, số ảnh hưởng mặn còn lại chưa hồi phục nên người dân không dám cho cây mang trái. Do vậy, nguồn cung sầu riêng trên thị trường hạn chế.