Nói cách khác, thị trường Việt Nam đã và đang thích nghi với chuyển đổi số hóa và chủ động tiếp cận những mô hình kinh doanh mới.
Thói quen tiêu dùng thay đổi
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp bán lẻ cần hiểu rõ phương thức tiếp cận khách hàng để quảng bá thương hiệu; trong đó, gồm cả cách phân phối hàng, giao hàng, thanh toán, chăm sóc khách hàng, thói quen tiêu dùng khách hàng online… được ứng dụng công nghệ như thế nào để tiết kiệm chi phí.
Với thói quen truyền thống, người tiêu dùng mua tại cửa hàng và mua thông qua kênh quảng cáo, tiếp thị. Tuy nhiên, trong bối cảnh kênh kinh doanh thương mại điện tử phát triển như hiện nay, doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển kênh bán hàng online để phù hợp với xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng của người dân.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Quỳnh Hương, cư ngụ tạị quận 2, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, việc mua sắm online khá tiện lợi cho người tiêu dùng, vì hàng hóa đa dạng mẫu mã, phong phú chủng loại và người mua có thể tận dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50%. Qua nhiều năm phát triển, các kênh thương mại điện tử không chỉ quen thuộc với người tiêu dùng, mà đơn vị kinh doanh cũng không ngừng nỗ lực nâng cấp những chính sách giao nhận, đổi trả hàng hóa, nên đã thúc đẩy người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí mua sắm.
Nhờ vào thương mại điện tử, việc tiếp cận kênh mua sắm của người tiêu dùng được đa dạng hơn. Bên cạnh đó, sự lựa chọn của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số hóa là mong muốn dùng thử và trải nghiệm nhiều sản phẩm hơn. Thông qua thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số, nhiều sản phẩm mới đến với người tiêu dùng dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Trước đây, thị hiếu tiêu dùng giữa người dân thành thị và nông thôn có sự khác biệt nhất định, nhưng kênh kinh doanh thương mại điện tử đã phá vỡ khoảng cách này. Điển hình, người dân khu vực nông thôn ngày càng có thu nhập cao hơn và họ sẵn sàng chi tiền cho hàng hóa cao cấp, chứ không phải chỉ là thị trường tiêu dùng hàng hóa bình dân.
Ông Sơn Trần, Quản lý giải pháp bán hàng Tập đoàn SAP Việt Nam cho biết, khảo sát nghiên cứu thị trường về xu hướng số hóa cho thấy, có 72% người tiêu dùng sử dụng thiết bị di động trong cửa hàng để tìm hiểu thông tin sản phẩm; 42% tương tác của trung tâm dịch vụ khách hàng liên quan tương tác trực tuyến; 56% mua sắm tại cửa hàng được tác động bởi tương tác kỹ thuật số.
Còn về trải nghiệm khách hàng, có 66% người tiêu dùng thay đổi nhãn hàng vì trải nghiệm khách hàng kém; 95% khách hàng không hài lòng chia sẻ trải nghiệm của họ với những người xung quanh; 81% khách hàng hài lòng có xu hướng mua thêm sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp; 86% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả thêm để có trải nghiệm tốt hơn.
Trong bối cảnh cạnh tranh của thị trường thương mại tự do, hành trình doanh nghiệp tiếp cận khách hàng ngày càng phức tạp và khó khăn hơn. Đặc biệt, nhà bán lẻ phải đáp ứng những đòi hỏi từ phát sinh nhu cầu tiêu dùng, tìm hiểu so sánh, mua sắm, cần hỗ trợ, trung thành với thương hiệu… Bên cạnh đó, để giúp khách hàng đạt được mục tiêu mua sắm và tiêu dùng, tại bất kỳ thời điểm nào trong hành trình của khách hàng, nhà bán lẻ cần đảm bảo nắm bắt thông tin khách hàng, khách hàng tiềm năng và tìm kiếm cơ hội bán hàng.
Đối với kênh bán hàng online, trong một thời điểm nhân viên có thể chăm sóc nhiều khách hàng cùng lúc, tăng hiệu suất làm việc của nguồn lao động. Trong khi đó, với khả năng tương tác mạnh mẽ, truyền thông mạng xã hội còn được xem là một trong những kênh hiệu quả khi làm quảng cáo, tiếp thị online, góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, phủ rộng thương hiệu.
Mua sắm online chiếm ưu thế
Kết quả Cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã công bố cho thấy, xu hướng mua sắm online ngày càng khởi sắc, nhất là đối với ngành hàng may mặc, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, điện tử... hầu hết phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trẻ. Bên cạnh đó, nhiều chủ tiệm tạp hóa (trực tiếp và trực tuyến) bắt đầu hiểu vai trò của dữ liệu khách hàng, giá trị thương hiệu và khả năng kiểm soát giá trị doanh nghiệp.
Ngay cả mô hình “tiệm tạp hóa” tại Việt Nam đang thay đổi, dù nhỏ nhưng nhiều tiệm tạp hoá bắt đầu quan tâm việc tối ưu hóa kinh doanh như không còn giữ nhiều vốn lưu động để tăng tồn kho, quan tâm đến dòng tiền ra – vào hiệu quả, cẩn thận hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp, chú ý chọn sản phẩm có tính thanh khoản... Nhờ đó, các đơn vị kinh doanh tìm nguồn cung cấp rẻ, ổn định và các cơ hội mua bán trên mạng để tăng doanh số.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ tin rằng trải nghiệm khách hàng nhất quán trên tất cả kênh bán hàng là rất quan trọng và quan tâm đến trải nghiệm khách hàng tiến hành nâng cấp trải nghiệm trực tuyến. Trải nghiệm khách hàng là giá trị mà người tiêu dùng cảm nhận do đơn vị kinh doanh mang lại từ A – Z, đây được xem là yếu tố cạnh tranh khác biệt trong thời đại số ngày nay.
Theo đó, trải nghiệm khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt, mang lại sự lựa chọn của khách hàng và chính là yếu tố quan trọng nhất thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, sự kết hợp giữa hoạt động kinh doanh và công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường và chinh phục người tiêu dùng.
Ông Phạm Ngọc Liêm, Giám đốc phụ trách Tiki Live cho hay, hiện tại ứng dụng Tiki Now cho phép khách hàng nhận hàng trong vòng 2 giờ, giúp kênh kinh doanh thương mại điện tử gần gũi với người dân hơn. Đồng thời, vượt qua rào cản tiếp cận người tiêu dùng trong phương thức kinh doanh thương mại điện tử. Còn ứng dụng Tiki Media, giúp nhà sản xuất, nhà phân phối, đơn vị bán hàng quảng bá sảng phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng…
Còn dẫn chứng từ các thống kê của Tổng cục thương mại điện tử, ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, doanh thu thương mại điện tử tăng gấp 6 lần thương mại truyền thống, tốc độ tăng trưởng hơn 30%/năm. Cụ thể, tốc độ tăng chi tiêu bằng phương thức thương mại điện tử 12-14%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của kênh thương mại điện tử tăng khá tốt.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp thừa nhận phương thức thương mại điện tử đã thúc đẩy và giúp họ tăng doanh số trong những gần đây. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường phân phối và bán hàng đa kênh, nên khó tách bạch doanh số giữa thương mại điện tử và truyền thống. Do đó, đơn vị kinh doanh có xu hướng xem kênh bán hàng online là kênh bán hàng bổ sung kênh offline và không triệt tiêu lẫn nhau.
Hiện nay, số hóa mô hình kinh doanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp. Chính vì vậy, công nghệ số hóa được đánh giá là một trong công cụ giúp doanh nghiệp chớp lấy cơ hội tích hợp thuơng mại điện tử vào hoạt động kinh doanh để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ ra thị trường toàn cầu.
Dự báo về thị trường bán lẻ và xu hướng tiêu dùng mới nhất, bà Huỳnh Bích Trân, Phó Giám đốc, Khối dịch vụ đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam cho rằng, tại Việt Nam tỷ lệ thời gian trung bình người dân đang dùng internet là 6 giờ 24 phút trong một ngày, thời gian trung bình lên mạng xã hội là 2 giờ 32 phút. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà bán lẻ có thể ứng dụng công nghệ số trong nhiều hình thức tương tác, khuyến mãi, giảm giá và tạo không gian giải trí cho người tiêu dùng trong thời gian mua sắm.