Biến động địa chính trị thúc đẩy sức hấp dẫn của kim loại quý
Kim loại quý là kênh tài sản hấp dẫn trong thời kỳ rủi ro, đặc biệt là khi xung đột Nga – Ukraine dai dẳng và các cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông luôn thường trực nguy cơ lan rộng, vai trò trú ẩn an toàn được phát huy càng giúp các mặt hàng này gia tăng giá trị.
Từ năm 2022, các Ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới bất ngờ quan tâm hơn việc tăng tỷ trọng của vàng trong dự trữ ngoại hối. Trong những tháng đầu năm 2024, nhiều NHTW tiếp tục tăng cường dự trữ vàng, góp phần đẩy giá lên các mức cao kỷ lục.
Với xu hướng tương tự, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran vào tuần trước, giá bạc cũng tỏa sáng trở lại với việc bứt phá hơn 12% lên mốc 27 USD/ounce, cao nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây. Điều này tiếp tục chứng minh sức hấp dẫn của kim loại quý, mặt hàng được coi như một “hầm trú ẩn an toàn”.
Lịch sử đã cho thấy kim loại quý như vàng, bạc luôn hoạt động tốt mỗi khi tình hình thế giới có biến động. Nếu như vàng vẫn là kênh trú ẩn quen thuộc của thị trường xuyên suốt lịch sử, thì trong thập kỷ qua, nhiều nhà đầu tư đã có xu hướng tăng cường lựa chọn sản phẩm bạc nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư “tiềm năng” trong thời kỳ rủi ro tăng cao. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, vào mùa hè năm 2020, giá bạc lần đầu tiên tăng vượt mốc 20 USD/ounce sau 4 năm, tương đương tăng 17% so với đầu năm 2020, giá vàng cũng tăng gần 30% từ 1.575 USD lên hơn 2.000 USD.
MXV nhận định, với việc xung đột địa chính trị vẫn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, kết hợp với diễn biến khó đoán về các cuộc bầu cử trong năm nay, nhất là bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11, kim loại quý sẽ còn rất nhiều dư địa tăng giá.
Áp lực lãi suất cao dần lắng xuống
Áp lực vĩ mô hạ nhiệt cũng sẽ trở thành lực đẩy hỗ trợ cho giá kim loại quý. Bên cạnh vàng, kim loại bạc với vai trò trú ẩn và vai trò công nghiệp song hành cũng được dự báo sẽ là điểm sáng vượt trội trong năm 2024.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hoá Việt Nam nhận định: “Giá bạc, giống như vàng, có mối quan hệ nghịch đảo với lãi suất. Môi trường lãi suất cao hơn sẽ hạn chế nhu cầu về bạc và vàng, vì khi đó, các kim loại quý sẽ kém hấp dẫn hơn so với các khoản đầu tư thay thế như gửi tiết kiệm, nắm giữ trái phiếu chính phủ với lợi suất cao. Do đó, kịch bản FED chuẩn bị hạ lãi suất trong năm nay được coi là một trong những chất xúc tác chính hỗ trợ cho giá bạc, khi chi phí cơ hội của việc nắm giữ bắt đầu giảm bớt”.
Nhưng trên thực tế, trong ngắn hạn, kim loại quý vẫn tiềm ẩn rủi ro cạnh tranh với lãi suất và đồng USD, do kỳ vọng FED sớm hạ lãi suất dần bị lung lay. Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm phát Mỹ có dấu hiệu “nóng” trở lại.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/4, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 của Mỹ tăng 3,5% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ tháng 9/2023, do sự gia tăng của giá xăng và chi phí thuê nhà. Ngay sau khi dữ liệu được công bố, thị trường tài chính đã lùi kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sang tháng 9, thay vì tháng 6 hoặc tháng 7 như dự báo trước đây.
Tuy vậy, mặc dù FED có thể trì hoãn việc hạ lãi suất và thời điểm bắt đầu xoay trục chính sách vẫn còn là ẩn số, nhưng việc cắt giảm chi phí vay dự kiến vẫn sẽ bắt đầu từ năm nay. Hơn nữa, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan ra quyết sách của FED, đã ấn định ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024 trong cuộc họp vào giữa tháng 3. Nhờ đó, giá bạc vẫn còn nhiều dư địa tăng do môi trường lãi suất thấp là môi trường đầu tư có lợi cho kim loại quý.
Ứng dụng trong công nghiệp làm tăng sức nóng cho giá bạc
“Nếu như vàng chỉ chiếm 10% nhu cầu ứng dụng trong công nghiệp, và tới 40% là đầu tư, thì ứng dụng của bạc ở lĩnh vực công nghiệp và đầu tư lần lượt là khoảng 60% và 24%. Tác động cộng hưởng từ cả yếu tố chính trị, vĩ mô và sản xuất có thể sẽ đưa kim loại trắng này trở thành điểm sáng vượt trội trong năm 2024, bên cạnh sản phẩm vàng truyền thống”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Giá bạc cũng dễ biến động hơn vàng do nhạy cảm hơn với sức khỏe của nền kinh tế. Nền kinh tế hoạt động tốt kéo theo sự tăng trưởng của hoạt động sản xuất nhìn chung sẽ có lợi cho giá bạc.
Hiện tại, bức tranh kinh tế toàn cầu đang dần vượt qua những khó khăn mà đại dịch COVID-19 để lại. Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã chứng kiến sự mở rộng trong hoạt động sản xuất sau chuỗi nhiều tháng liên tiếp thu hẹp. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất được công bố vào đầu năm, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay thêm 0,2 điểm phần trăm lên 3,1%. Theo đó, nhu cầu bạc trong công nghiệp cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay.
Báo cáo mới nhất của Viện Bạc (Silver Institute) cho biết nhu cầu bạc toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 1,2 tỷ ounce vào năm 2024, đánh dấu mức cao thứ hai trong lịch sử. Trong đó, tiêu thụ bạc ở lĩnh vực công nghiệp được dự báo tăng 4% lên mức kỷ lục 690 triệu ounce, chiếm thị phần khoảng 60%.
Đáng chú ý, Viện Bạc cho rằng nhu cầu bùng nổ vào năm nay sẽ giúp giá bạc chinh phục được cột mốc 30 USD/ounce, mức giá cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Và nếu nhìn ở góc độ dài hạn, đà tăng sẽ còn tiếp diễn do ứng dụng quan trọng của kim loại này trong kỷ nguyên năng lượng sạch, đưa bạc trở thành sản phẩm tiềm năng trong danh mục đầu tư bền vững.