Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 55 xu (tương đương 0,7%) xuống 77,92 USD/thùng vào lúc 14 giờ 30 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ cũng mất 55 xu (0,7%) xuống 73,31 USD/thùng.
Nhà phân tích Tina Teng của công ty chuyên về dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết, giới giao dịch dầu mỏ có thể thận trọng trước báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ và hàng loạt số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, giá dầu thô có thể tăng trở lại sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) công bố kế hoạch tiếp tục giảm nguồn cung.
Ông Mukesh Sahdev thuộc công ty năng lượng Rystad Energy cho biết, tình hình kinh tế Trung Quốc đang làm tăng thêm những bất ổn trên thị trường dầu mỏ.
Tình trạng bất ổn đó càng gia tăng vì sự giằng co đang diễn ra giữa nỗi lo kiểm soát nhu cầu của các nền kinh tế phương Tây và các chiến lược kiểm soát nguồn cung do OPEC sử dụng. Những yếu tố này đều tác động đến sự cân bằng "mong manh" của thị trường dầu mỏ.
Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan cho biết, nguồn cung ngoài OPEC+ đã bắt kịp với nhu cầu toàn cầu. Theo các nhà phân tích này, OPEC+ cần tiếp tục cắt giảm sản lượng thêm 700.000 thùng/ngày trong nửa cuối năm (ngoài mức giảm đã công bố), rồi kéo dài kế hoạch đó đến năm 2024.