Đây được xem là hành động quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc từng bước tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi của chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, kể từ ngày 2/11/2024, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được phép giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (Non Pre-funding). Nhà đầu tư có thể mua chứng khoán ngay trong ngày (T+0) và thanh toán vào các ngày sau (T+1/T+2). Đồng thời, Thông tư /2024/TT-BTC cũng quy định lộ trình công bố thông tin định kỳ, bất thường bằng tiếng anh dựa theo quy mô các đối tượng công ty niêm yết, công ty đại chúng kể từ ngày 01/01/2025 đến 01/01/2028.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, chính sách Non Pre-funding không chỉ giúp giảm chi phí tài chính và tăng tính linh hoạt cho nhà đầu tư mà còn là tiêu chí quan trọng để nâng cấp thị trường Việt Nam lên trạng thái thị trường mới nổi theo chuẩn FTSE Russell.
Theo đánh giá tháng 3/2024 của FTSE, Việt Nam hiện nằm trong danh sách theo dõi nhằm nâng hạng lên Secondary Emerging từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như một vài tiêu chí còn bất cập nên mục tiêu chưa hoàn thành.
Hiện, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với vai trò cận biên và được kỳ vọng phân loại lại lên Secondary Emerging. Hoạt động đánh giá lại sẽ được FTSE thực hiện tiếp tục vào đầu tháng 10/2024 và 2 kỳ năm 2025 là tháng 3 và tháng 9.
Trong đợt đánh giá tháng 3/2024 của FTSE, Việt Nam vẫn còn tiêu chí hạn chế để nâng hạng thị trường, việc tháo gỡ vướng mắc từ việc yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, cũng như cải thiện quy trình mở mới tài khoản sẽ kỳ vọng nhiều chuyển biến tích cực, là nhân tố hỗ trợ để hiện thực hóa lên thị trường mới nổi.
Tính đến ngày 17/9/2024, quy mô vốn hóa của VN-Index đạt hơn 213 tỷ USD, khá tương đồng với vài quốc gia được phân bổ tỷ trọng thấp trong danh mục FTSE Emerging markets Index. Chẳng hạn như quy mô vốn hóa thị trường Chile đạt 170 tỷ USD (Tháng 6/2024). Mirae Asset Việt Nam ước tính, tỷ trọng của Việt Nam trong rổ sẽ ở mức khoảng 0,6% khi được thêm vào chính thức.
Tiêu biểu như Vanguard FTSE Emerging Markets ETF với quy mô gần 79 tỷ USD. Với tỷ trọng phân bổ 0,6%, Việt Nam có thể được giải ngân ở khoảng 474 triệu USD. Bên cạnh đó, dòng tiền ngoại chảy vào Việt Nam không những đến từ những quỹ sử dụng chỉ số FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, mà còn những quỹ khác khi thị trường được nâng hạng.
Theo quan sát của nhóm phân tích Mirae Asset, đa phần các thị trường trước thời điểm nâng hạng chính thức 1 - 2 năm, thị trường chứng khoán đều có dấu hiệu bật tăng. Cụ thể, Qatar tăng hơn 45% (tháng 9/2013 - tháng 9/2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (tháng 3/2017 - tháng 3/2018), Romania tăng hơn 18% từ (tháng 9/2018 - tháng 9/2019).
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và Chiến lược đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, chính sách Non Pre-funding được áp dụng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp theo tiêu chuẩn của FTSE Russell. Dự kiến, Việt Nam sẽ chính thức được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 3/2025 hoặc tháng 9/2025.
Nếu được FTSE Russell chấp thuận vào nhóm Secondary Emerging Market, KBSV ước tính tỷ trọng của thị trường Việt Nam vào khoảng 0,7 - 1% trong rổ FTSE Emerging Index. Từ đó có thể thu hút từ 800 triệu - 1 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các quỹ ETF.
Quan trọng hơn, việc thị trường chứng khoán được nâng hạng thường đi kèm với sự tăng cường minh bạch và quy trình quản lý, từ đó tạo ra một môi trường đầu tư an toàn và đáng tin cậy hơn.
Theo ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và mong đợi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, do có nền kinh tế tăng trưởng cao. Tuy nhiên, vì Việt Nam vẫn là thị trường cận biên, trong khi các nhà đầu tư tổ chức quốc tế thường chỉ đầu tư vào thị trường mới nổi hoặc thị trường phát triển.
Do đó, những cải cách mới đây của Việt Nam về loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, cải thiện nguồn cung cổ phần trong điều kiện giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cải thiện về tiếp cận thông tin là rất quan trọng để hướng đến việc nâng hạng lên thị trường mới nổi.
WB ước tính, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI và FTSE Russell nâng cấp thành thị trường mới nổi, nghĩa là dòng vốn ròng 5 tỷ USD sẽ đổ vào thị trường cổ phiếu Việt Nam, do danh mục của thị trường mới nổi toàn cầu được tái phân bổ sang Việt Nam sau khi được nâng cấp. Thậm chí, dòng tiền đổ vào có thể lên đến 25 USD Mỹ vào năm 2030, nếu những cải cách mạnh mẽ tiếp tục diễn ra và và môi trường đầu tư toàn cầu vẫn lành mạnh.
Mặc dù vậy, theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc vĩ mô và Chiến lược đầu tư KBSV, ở thời điểm hiện tại, chính sách này sẽ không tác động quá nhiều đến việc đảo chiều dòng vốn ngoại, bởi yếu tố hấp dẫn chính đối với khối ngoại là việc Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI, nếu xét trên quy mô các quỹ đang theo dõi theo 2 chỉ số.
“Tuy nhiên, kết hợp với các yếu tố khác như việc Fed hạ lãi suất (giúp dòng tiền tích cực chảy vào các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam) và việc định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức tương đối hấp dẫn. Dòng vốn ngoại theo đó được kỳ vọng sẽ giao dịch cân bằng hơn trong các tháng cuối năm và có thể quay trở lại mua ròng trong kịch bản tích cực”, ông Trần Đức Anh nhận định.
Theo KBSV, ngành chứng khoán sẽ là nhóm đầu tiên được hưởng lợi từ Non Pre-funding. Tuy nhiên, thông tin này đã phản ánh vào giá tính đến thời điểm hiện tại. Hơn nữa, mức độ phản ánh vào kết quả kinh doanh sẽ chưa quá lớn trong thời gian đầu do phí giao dịch từ nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng rất nhỏ ở hầu hết các công ty chứng khoán. Dù vậy, trong dài hạn, việc áp dụng pre-funding và câu chuyện nâng hạng chắc chắn sẽ mang lại các tác động tích cực đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Ngoài ra, một số công ty chứng khoán cũng kỳ vọng các cổ phiếu trong danh mục hiện tại của FTSE sẽ được hưởng lợi nếu nâng hạng thành công. Chẳng hạn như HPG, VIC, VNM, VCB, SSI…