Nhà sản xuất luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”, nhà phân phối thì bị động với hàng hóa cung ứng, còn người tiêu dùng phải chi trả quá cao so với giá gốc, trong khi hàng nông sản thiếu sự kiểm soát chất lượng. Quan hệ sản xuất cung – cầu trong nông sản vẫn thiếu sự gắn kết theo chuỗi giá trị dẫn đến việc gia tăng các khâu trung gian, đẩy giá sản phẩm lên cao.
Hiện nay, lượng đường tồn kho lên cao nhất trong những năm gần đây với khoảng 600.000 tấn khiến các nhà máy đường loay hoay tìm cách tiêu thụ. Giá đường tại nhà máy chỉ khoảng 12.000 - 13.000 đồng/kg, song giá đường trên các kệ cửa hàng, siêu thị lại lên đến 18.000 - 20.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.
Mặt hàng tiêu dùng phổ biến hàng ngày khác phải kể đến là thịt lợn. Cách đây khoảng 2-3 tháng, giá lợn hơi liên tục tăng, tại thị trường miền Bắc giá lợn hơi đã lên đến mức 55.000-56.000 đồng/kg. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải triệu tập cuộc họp khẩn mời các Tập đoàn chăn nuôi lớn và các nhà sản xuất, chế biến thịt lợn tìm cách giảm giá lợn xuống mức dưới 50.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nay giá lợn hơi đã giảm tương đối mạnh từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, song người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn tại các chợ dân sinh ở Hà Nội với giá khoảng 110.000 đồng/kg (loại ngon), tại các siêu thị cao hơn khoảng 10-15%. Như vậy, mong muốn bình ổn giá, người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm với giá hợp lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chưa thực sự đến được đúng đối tượng. Người mua vẫn chưa thấy giá thịt lợn giảm là bao, trong khi lợi nhuận của người chăn nuôi thu được đã giảm thấy rất rõ.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận, đó là sự thiếu trách nhiệm, chèn ép của đơn vị phân phối bởi ông đã từng là những người mở siêu thị đầu tiên. Khi đó, hàng hóa chỉ cần 30 phút kiểm tra là vào được siêu thị với mức chiết khấu bình quân 12,8%. Nay mức chiết khấu thông thường lên tới 25-30%, chưa kể với những chi phí bất hợp lý khác. Thậm chí 10 đơn vị gửi hàng vào siêu thị, chỉ 1-2 đơn vị được chọn bởi đó là những đơn vị chịu chi chiết khấu cao.
Theo ông Phú, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nông sản sạch lại được bày bán ngoài thị trường, lẫn lộn với hàng hóa không đạt tiêu chuẩn. Hiện có từ 70 - 80% nông sản tiêu thụ ở chợ và vẫn còn sự lẫn lộn giữa hàng sạch và bẩn, nông dân không hưởng lợi gì, người tiêu dùng phải mua giá cao do đẩy chiết khẩu, đẩy chi phí "nào đó" lên.
“Như vậy chúng ta đã triệt tiêu các lợi nhuận và làm giảm nhuệ khí của hàng Việt. Con đường hàng hóa đi rất gian khổ và bị đẩy giá lên còn làm thiệt hại trong tiêu thụ nội địa, tạo cơ hội cho hàng lậu, hàng nhập khẩu thâm nhập”, ông Phú nói.
Nhằm hướng đến một nền sản xuất hàng hóa, trong những năm qua, các địa phương đã đẩy mạnh dồn điền đổi thửa gắn với cải tạo hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, quy hoạch lại vùng sản xuất, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Người dân cũng mạnh dạn mở rộng sản xuất, đầu tư nuôi trồng nhiều loại giống cây, con mới, có năng suất, chất lượng cao.
Tuy nhiên, việc định hướng sản xuất còn rất lúng túng. Nông dân vẫn mải chạy theo lợi nhuận, phong trào để rồi đổ xô vào sản xuất, dẫn đến tình trạng dư thừa. Phần lớn các hộ nông dân chỉ nhìn vào thị trường trước mắt để sản xuất, chưa chú trọng việc có kế hoạch sản xuất dài hạn, đáp ứng nhu cầu lâu dài của thị trường, làm thế nào để tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, ổn định. Bởi vậy, chủ yếu nông sản được phân phối qua chợ đầu mối. Khi đó, một nông sản nào đó có sản lượng cung ứng cao lập tức sẽ bị ép giá xuống rất thấp.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) một trong những nguyên nhân chính của nghịch lý thiếu – thừa nông sản chính là do chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ còn yếu. Nông dân sản xuất không có hợp đồng tiêu thụ. Để giảm các khâu trung gian thì vài trò của chính quyền rất quan trọng trong việc truyên truyền, hỗ trợ nông dân tham gia liên kết, đặc biệt là liên kết theo hợp đồng. Địa phương cũng cần giúp nông dân quy hoạch các vùng sản xuất, hỗ trợ sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc thì mối liên kết sẽ ngắn lại.
“Có 3 vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước là xây dựng cơ chế chính sách giúp nông dân đi vào mối liên kết; tổ chức xúc tiến thương mại giúp các bên đến với nhau một cách minh bạch; xây dựng cơ sở hạ tầng cho mối liên kết để các khâu trung gian sẽ giảm đi”, ông Thịnh đánh giá.
Theo các chuyên gia, chỉ khi nào thúc đẩy được mối liên kết từ khâu sản xuất quy mô lớn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh đến hệ thống tiêu thụ thì mới giải quyết được bài toán đầu ra sản phẩm cũng như lợi ích người tiêu dùng. Khi đó, mối liên kết bao gồm nông dân, hợp tác xã (doanh nghiệp chế biến), siêu thị (chợ) sẽ cùng hưởng lợi bởi cắt giảm được các chi phí trung gian; trong khi hàng hóa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Nông sản Việt hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của hơn 90 triệu người dân trong nước mà còn phải tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu với 7 tỷ dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, dù cung ứng cho ai và theo kênh nào đều có một đòi hỏi chung là phải nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì, mẫu mã, giá thành hợp lý, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Với khó khăn lớn nhất hiện nay là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ với 7 triệu hộ, đất đai khá manh mún, nông dân và doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết để từ đó hình thành vùng nguyên liệu tập trung.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng trên là không có liên kết trong sản xuất với thị trường. Nếu sản xuất tốt, đúng kế hoạch, theo tín hiệu thị trường thì tiêu thụ sẽ tốt. Thực tế hiện nay cần tổ chức tốt chợ trong nước và mang ra chợ nước ngoài. Do đó, vai trò của Nhà nước, bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và cả người nông dân đều rất quan trọng.
Việc liên kết giữa "5 nhà" cần tăng cường thúc đẩy hơn nữa; trong đó đặc biệt là vai trò dẫn dắt của hợp tác xã, là cầu nối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự chủ động tham gia vào mối liên kết này vẫn phải là người nông dân, Nhà nước chỉ đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đề xuất lựa chọn 15 sản phẩm là nông sản chủ lực của quốc gia, qua đây sẽ thúc đẩy việc thành lập hợp tác xã chuyên ngành nhằm tổ chức lại sản xuất trong từng ngành hàng.
Đặc biệt, dự án Luật Trồng trọt đang được trình Quốc hội xem xét cũng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thay đổi quan hệ sản xuất theo hướng từ một nền sản xuất nhỏ, không có hợp đồng, chứng nhận chất lượng sang nền sản xuất có quan hệ sản xuất chặt chẽ, có hợp đồng, có chứng nhận chất lượng gắn với sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và tài nguyên.
Bài 4: Sẽ có chỗ đứng nếu có chiến lược phù hợp