Giá ca cao thiết lập đỉnh mới sau 47 năm
Sau 47 năm, giá ca cao lần đầu tiên vượt mức kỷ lục năm 1977 vào ngày 8/2 và đang có xu hướng tạo thêm nhiều đỉnh mới. Theo ghi nhận từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá ca cao trên Sở Giao dịch Liên lục địa New York (ICE-US) chốt ngày 26/2 chạm ngưỡng 6.557 USD/tấn, tăng 54,72% so với thời điểm đầu năm 2024 và cao hơn 22% so với mức đỉnh thiết lập vào năm 1977.
Rủi ro thiếu hụt nguồn cung tại Bờ Biển Ngà và Ghana, hai quốc gia cung ứng trên 70% tổng sản lượng ca cao toàn cầu, là một trong những yếu tố then chốt đẩy giá ca cao tăng vọt. Theo dữ liệu từ Hải quan Bờ Biển Ngà, từ tháng 10/2023 đến ngày 25/2, lượng ca cao xuất khẩu của nước này giảm 32% so với cùng kỳ vụ trước, còn 1,16 triệu tấn. Đồng thời, từ tháng 9/2023 đến tháng 1 năm nay, khối lượng ca cao phân loại và đóng gói tại Ghana cũng giảm 35% so với cùng kỳ trước đó.
Bên cạnh tình trạng khan hiếm nguồn cung, nhu cầu về ca cao tăng vọt trước dịp lễ Tình nhân cũng cộng hưởng đẩy giá lên đỉnh cao mới. Theo số liệu thống kê tại Hội nghị ca cao Việt Nam, ngành công nghiệp sô cô la toàn cầu đang tiêu thụ hơn 4 triệu tấn hạt ca cao hàng năm, tương đương 80-90% tổng sản lượng thế giới.
Nhận định về triển vọng thị trường ca cao, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Giá ca cao thế giới khả năng tiếp tục duy trì ở vùng giá cao cho đến hết quý I, thậm chí là quý II năm nay. Tình trạng thâm hụt cung – cầu ca cao có thể kéo dài sang năm thứ ba liên tiếp khi El Nino vẫn còn đang hoành hành tại hai quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới”.
Năm 2023 đã để lại “dấu ấn” cho ngành ca cao thế giới
Trước khi chính thức vượt mức đỉnh năm 1977, giá ca cao trên Sở ICE-US đã ghi nhận đà tăng ấn tượng trong năm 2023. Theo ghi nhận từ MXV, tính đến cuối tháng 12/2023, giá ca cao đã chạm mức 4.196 USD/tấn, tăng 72% so với hồi đầu năm. Đây cũng là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tất cả các loại hàng hóa đang được liên thông tại MXV vào năm 2023. Đồng thời, đà tăng ấn tượng cũng giúp giá ca cao trong năm vừa qua vượt đỉnh năm 2011 - thời điểm lệnh cấm xuất khẩu ca cao của Bờ Biển Ngà được ban hành.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung tại Bờ Biển Ngà và Ghana vẫn là một trong những nguyên nhân cốt lõi đã tạo nên sự bứt phá của giá ca cao. Từ đầu năm 2023, mưa lớn kéo dài tại hai quốc gia trên khiến dịch bệnh bùng phát, đẩy sản lượng ca cao đứng trước nguy cơ giảm sâu. Đến quý IV/2023, El Nino xuất hiện, vùng sản xuất ca cao chính đã trải qua một trong những đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong lịch sử làm cho mùa vụ thiệt hại nghiêm trọng. Theo nguồn tin tổng hợp, sản lượng ca cao tại Bờ Biển Ngà trong niên vụ 23/24 ước giảm khoảng 20% so với niên vụ trước, về 1,3 triệu tấn. Cùng với đó, tại Ghana, sản lượng dự kiến giảm về ngưỡng thấp kỷ lục trong 14 năm, dao động 650.000 - 700.000 tấn.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu càng được đẩy lên cao khi tồn kho ca cao tại Sở ICE-US quay về mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021. Tính đến tháng 12/2023, tổng lượng ca cao lưu trữ tại Sở đã giảm 13,49% so với đầu năm, xuống còn 4,17 triệu bao.
Mở ra triển vọng hồi sinh cây ca cao
Hiện nay, nhiều quốc gia sản xuất ca cao vẫn đang “ngồi trên đống lửa” bởi tình trạng mất mùa, nhưng MXV cho rằng chính bối cảnh này đang làm nên cơ hội cho ngành công nghiệp tiềm năng này bước sang trang mới.
Ca cao vốn được xem là cây “mũi nhọn” giúp nông dân Tây Phi “đổi đời”. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay, cây trồng này vẫn chưa làm tốt vai trò “cây thoát nghèo”. Theo Đại học và Quỹ nghiên cứu Wageningen, thu nhập bình quân của nông dân trồng ca cao chưa tới 2 USD/ngày, dưới ngưỡng chuẩn nghèo của WorldBank.
Tương tự các quốc gia ở Tây Phi, theo nguồn tin tổng hợp của MXV, thu nhập của người nông dân trồng ca cao tại Việt Nam cũng chỉ từ 1,5 đến 2 triệu/tháng - mức thu nhập chưa đủ để trang trải cuộc sống. Hiệu quả kinh tế kém cùng năng suất thấp là nguyên nhân hạn chế tiềm năng phát triển cây ca cao tại nước ta. Do đó, hiện nay, cây trồng này chủ yếu được trồng xen canh với các loại cây khác như điều, dừa. Theo thống kê của Reuters, năm 2022, sản lượng hạt ca cao Việt Nam ở mức khoảng 2.000 tấn, chiếm tỷ trọng khiêm tốn xấp xỉ 0,04% tổng lượng ca cao toàn cầu.
Kể từ năm 2023 cho đến nay, khi giá ca cao liên tục thiết lập đỉnh mới chưa từng có trong lịch sử, cây ca cao có cơ hội trở về với đúng bản chất “thoát nghèo”. Với lợi ích kinh tế dần được cải thiện, đây sẽ có thể là “hướng rẽ” mới để nông dân phát triển ca cao như một cây trồng chủ lực tại Việt Nam. Đặc biệt, theo tiêu chí của Tổ chức Cacao Quốc tế (ICCO), hạt ca cao Việt Nam có chất lượng tốt thứ hai Châu Á.
“Tận dụng thời điểm giá cao, Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để hồi sinh vùng trồng ca cao. Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt, sự xuất hiện của sản phẩm ca cao “made by Vietnam” có thể là điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, với chất lượng tốt, mặt hàng ca cao nước ta có thể tiếp cận thêm nhiều thị trường mới, lan tỏa giá trị của hàng Việt trên thế giới và tạo một khởi đầu mới cho triển vọng ngành trong tương lai”, ông Phạm Quang Anh nhấn mạnh.