Vào lúc 14 giờ 53 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.803 USD/ounce, sau khi chạm mức 1.810,86 USD/ounce trong phiên trước đó, mức cao nhất kể từ ngày 27/1. Giá vàng kỳ hạn Mỹ giảm 0,3% xuống 1.804,90 USD/ounce.
Nhà phân tích Kyle Rodda thuộc IG Markets cho hay đồn đoán về lãi suất là yếu tố chính tác động đến vàng hiện nay.
Mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tháng 3/2022, song các nhà hoạch định chính sách đã nói một cách thận trọng về những gì có thể xảy ra sau đó trong tuần này, bởi triển vọng lạm phát không chắc chắn, khi đại dịch tác động đến hoạt động kinh doanh.
Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn lạm phát, song kim loại quý này có thể chứng kiến nhu cầu bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao.
Thị trường đồn đoán Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ tăng lãi suất lần nữa và tiếp tục rút lại các chương trình kích thích kinh tế được triển khai trong đại dịch tại cuộc họp diễn ra vào cuối ngày hôm nay theo giờ Việt Nam. Trong khi đó Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự kiến sẽ giữ chính sách không đổi nhưng thừa nhận lạm phát gia tăng.
Chỉ số đồng USD mạnh lên so với rổ tiền tệ chính, làm hạn chế nhu cầu kim loại quý được giao dịch bằng đồng bạc xanh.
Tại thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 22,51 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,2% xuống 1.030,52 USD/ounce, còn giá palladium cộng thêm 0,2% lên 2.374,15 USD/ounce.
Tại thị trường dầu châu Á, giá dầu đi xuống sau số liệu việc làm yếu kém của Mỹ và do một số hoạt động bán ra chốt lời.
Giá dầu Brent biển bắc đã giảm 17 xu Mỹ (0,2%) xuống 89,30 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 31 xu Mỹ (0,4%) xuống 87,95 USD/thùng.
Số liệu việc làm trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ đã giảm lần đầu tiên trong tháng 1/2022, giảm hơn 300.000 việc làm, trái ngược với dự báo tăng 180.000 việc làm, làm tăng nguy cơ về sự sụt giảm lớn trên thị trường lao động.
Tuy nhiên, nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt và căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông đã thúc đẩy giá dầu tăng khoảng 15% trong năm nay. Trong tuần qua, hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã chạm mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2014, trong đó dầu WTI tăng lên tới 89,72 USD/thùng ngày 2/2, còn dầu Brent chạm mức 91,70 USD/thùng ngày 28/1.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á giao dịch trái chiều do hoạt động bán ra chốt lời. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1% xuống 27.241,31 điểm. Trong khi đó, thị trường Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc) đóng cửa nghỉ lễ.
Chứng khoán Sydney, Manila, Mumbai và Jakarta đều giảm sau khi trải qua tuần giao dịch sôi nổi. Trong khi đó, chứng khoán Singapore và Seoul đều tăng 2% trong phiên đầu tiên sau đợt nghỉ tết Nguyên đán.