Thị trường nông sản và phần lớn các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp ngừng giao dịch. Sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng giá các mặt hàng còn lại. Thị trường kim loại trầm lắng trong khi thị trường năng lượng diễn biến trái chiều. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 0,28% xuống 2.128 điểm.
Thị trường kim loại “rực đỏ”
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, thị trường kim loại khá vắng vẻ với thanh khoản mỏng. Đối với kim loại quý, tính đến 1h30 sáng nay (3/9), giá bạc giảm 0,87% về 28,8 USD/ounce, giá bạch kim cũng để mất 0,23% xuống 930,1 USD/ounce. Do thị trường đóng cửa sớm trong ngày nghỉ lễ của Mỹ nên giá đóng cửa sẽ được tính toán vào rạng sáng ngày mai (4/9).
Nhóm kim loại quý biến động khá giằng co trước sự không chắc chắn về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Số liệu công bố cuối tuần qua cho thấy đà giảm lạm phát của Mỹ đang chậm lại, thể hiện qua chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) và PCE lõi của Mỹ giữ nguyên so với tháng trước, lần lượt đạt mức 2,5% và 2,6% trong tháng 7. Điều này có thể khiến FED chỉ cắt giảm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9, thay vì giảm 50 điểm cơ bản như giới đầu tư kỳ vọng hiện tại.
Do vậy, thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ được công bố vào thứ Sáu (6/9) để có manh mối rõ hơn về kịch bản hạ lãi suất của FED.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ghi nhận mức giảm khoảng 0,5%, do thị trường phản ứng với dữ liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc làm suy yếu triển vọng tiêu thụ đồng.
Cụ thể, vào cuối tuần trước, Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho biết hoạt động sản xuất của nước này đã thu hẹp tháng thứ tư liên tiếp, thể hiện qua chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất giảm xuống 49,1 điểm trong tháng 8, thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.
Ngoài ra, Ngân hàng UBS và JP Morgan mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc xuống 4,6%, từ mức 4,9% và 4,7% trong dự báo trước. Điều này càng làm xấu đi triển vọng giá đồng, một thước đo sức khỏe của nền kinh tế.
Cùng chung diễn biến, số liệu sản xuất tiêu cực của Trung Quốc cũng tạo sức ép lên giá quặng sắt trong phiên hôm qua. Đóng cửa, giá quặng sắt giảm hơn 4% xuống 96,6 USD/tấn.
Bên cạnh đó, việc lĩnh vực bất động sản, phân khúc tiêu thụ phần lớn sắt thép của Trung Quốc, tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng càng gây áp lực nên giá quặng sắt. Số liệu sơ bộ từ China Real Estate Information cho thấy, giá trị doanh số bán nhà mới của 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã giảm xuống còn 251 tỷ nhân dân tệ (35,4 tỷ USD) trong tháng 8, tương đương giảm 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này giảm mạnh hơn so với mức giảm 19,7% ghi nhận trong tháng 7.
Giá dầu hồi phục trở lại dưới áp lực nguồn cung
Theo MXV, thị trường năng lượng diễn biến trái chiều trong ngày hôm qua. Đóng cửa, giá mặt hàng dầu ít lưu huỳnh suy yếu nhẹ trong khi giá dầu thế giới lại ghi nhận đà hồi phục trong bối cảnh xuất khẩu dầu của Libya vẫn bị tạm dừng và lo ngại về sản lượng OPEC+ cao hơn từ tháng 10 đã giảm bớt. Tính đến 1 giờ 30 phút sáng 3/9, giá dầu WTI tăng 0,7% lên mức 74,04 USD/thùng. Trong khi đó, kết phiên dầu thô Brent tăng 0,8% lên mức 77,52 USD/thùng.
Hoạt động xuất khẩu dầu tại các cảng lớn của Libya tiếp tục bị dừng lại và sản xuất bị cắt giảm trên toàn quốc khi bế tắc đàm phán giữa các bên về quyền kiểm soát ngân hàng trung ương và doanh thu từ dầu mỏ vẫn tiếp diễn. Mặc dù trước đó một số mỏ dầu tại quốc gia này đã nhận được thông tin chuẩn bị để khôi phục hoạt động, tuy nhiên việc đình trệ vẫn tiếp tục diễn ra. Mới đây nhất, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC) của nước này cũng tuyên bố tình trạng bất khả kháng đối với mỏ dầu El Feel từ ngày 2/9.
Ảnh hưởng từ việc tạm dừng sản xuất tại Libya đã đẩy sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 8 xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Cụ thể, OPEC đã bơm khoảng 26,36 triệu thùng/ngày trong 7, thấp hơn khoảng 340.000 thùng/ngày so với một tháng trước đó, theo một cuộc khảo sát từ Reuters. Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ đến từ thông tin trên bị hạn chế đi phần nào khi sản lượng của nhóm OPEC-9, không bao gồm Iran, Libya và Venezuela vẫn cao hơn hạn ngạch khoảng 220.000 thùng/ngày.
Rủi ro nguồn cung tại khu vực Trung Đông do xung đột địa chính trị cũng góp phần thúc đẩy đà tăng trên thị trường. Hai tàu chở dầu, Amjad treo cờ Saudi Arabia và Blue Lagoon I treo cờ Panama đã bị tấn công hôm qua (2/9) tại Biển Đỏ ngoài khơi Yemen. Lực lượng Houthi của Yemen vào cuối ngày đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ việc với tàu Blue Lagoon nhưng không đề cập đến tàu chở dầu của Saudi.
Thêm vào đó, theo nguồn tin từ Bloomberg, nhà máy lọc dầu Dangote công suất 650.000 thùng/ngày của Nigeria sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất xăng trong tuần này. Với việc đưa nhà máy đi vào hoạt động, nhu cầu dầu thô cho hoạt động lọc dầu của nước này sẽ gia tăng. Theo Energy Aspects, nhà máy có thể đạt sản lượng khoảng 90.000 thùng mỗi ngày trong quý IV, tăng lên gần 250.000 thùng trong nửa cuối năm tới trên tổng số tối đa 330.000 thùng xăng có thể sản xuất mỗi ngày.