Các nhà đầu tư lớn tại Trung Quốc như Fidelity International, UBS Asset Management và J.P. Morgan Asset Management tin rằng tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ "lấn át" tác động có tính tức thời từ các tranh chấp thương mại.
Shumin Huang, người đứng đầu mảng nghiên cứu chứng khoán Trung Quốc tại J.P. Morgan Asset Management, bày tỏ lạc quan về cơ hội tiêu dùng tăng trưởng của Trung Quốc.
Tài sản nằm dưới sự quản lý tại một số quỹ tập trung vào Trung Quốc của Fidelity đã gia tăng trong năm nay, bất chấp việc thị trường chứng khoán nước này sụt hơn 15%. UBS AM, J.P. Morgan và Neuberger Berman cũng đã đẩy mạnh hoạt động mua vào cổ phiếu hạng A của Trung Quốc trong năm nay.
Nhà kinh tế Hu Yifan tại UBS Wealth Management cho hay năm nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh mở cửa các thị trường tiền vốn nhằm làm dịu tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại. Các nhà quản lý của nước này đang nỗ lực gấp bội nhằm hội nhập thị trường chứng khoán trị giá 7.000 tỷ USD và thị trường trái phiếu trị giá 11.000 tỷ USD của Trung Quốc vào hệ thống tài chính toàn cầu.
Lượng cổ phiếu Trung Quốc mà các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng gần 50% trong 12 tháng qua, nhưng mới chỉ chiếm chưa đầy 3% tổng số vốn hóa thị trường. Trong khi lượng trái phiếu Trung Quốc được nắm giữ bởi các nhà đầu tư nước ngoài tăng 70% trong 12 tháng qua lên 1.750 tỷ NDT (255,25 tỷ USD).
Các dòng vốn ròng chảy vào thị trường Trung Quốc trong năm nay đối lập với các dòng vốn ròng được đưa ra khỏi các thị trường của các nước láng giềng như Thái Lan, Nga và Hàn Quốc, theo dữ liệu của IIF. Bắc Kinh cũng đã nới lỏng các quy định về dòng lưu chuyển vốn.