Không ít ca sỹ, diễn viên, MC ngày càng xuất hiện “nở rộ” trên mạng xã hội (Facebook) để chia sẻ trực tiếp (live stream) quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ và nhận thù lao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mà ngành thuế khó nắm bắt được. Theo ông, ngành thuế có quản lý được nguồn thu thuế này?
Đối với nhận định về thu nhập của các nghệ sỹ, người mẫu là “cao ngất ngưởng” tôi xin không có ý kiến đánh giá, bởi rất khó so sánh khi tính chất lao động của mỗi lĩnh vực, ngành nghề là khác nhau. Chẳng hạn, một luật sư cao cấp nếu làm trong một hãng luật lớn và uy tín của quốc tế, có thể thu nhập đến 900 USD/giờ, hay một họa sỹ, nếu giai đoạn tài năng thăng hoa đỉnh cao có thể sáng tác 1 bức tranh hàng triệu USD trong 1 vài lần ngẫu hứng.
Chúng ta cũng không có đủ thông tin đã được kiểm chứng để biết được và so sánh cát-sê tham dự sự kiện của một nghệ sỹ so với “tiền bồi dưỡng ăn trưa” của một quan chức cấp cao cũng có mặt tại chính sự kiện đó, thực tế ai cao hơn ai? Tại sao lại như vậy? Có thể, những giao dịch đó đều thực hiện bằng tiền mặt và đơn vị chi trả đã không buộc phải diễn giải chính xác khoản chi phí đó đúng như nội dung đã thực chi.
Như vậy, có thể hiểu việc “né” thuế hoàn toàn có thể xảy ra và khó khăn với ngành thuế là tất yếu, trong điều kiện các ngành hữu quan chưa có giải pháp đồng bộ, khép kín để quản lý được thu nhập và chi phí từ điểm xuất phát đến điểm đích (nôm na gọi là “từ gốc đến ngọn”).
Tình trạng khá phổ biến trong những năm qua đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế TNCN của giới văn nghệ sỹ là “quên” khai thu nhập. So với tổng mức thu nhập thì mức thuế TNCN mà các nghệ sỹ đóng vẫn chưa tương xứng. Bên cạnh đó, không ít người nổi tiếng đã dùng “chiêu” lập doanh nghiệp bởi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thấp hơn thuế TNCN rất nhiều. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Việc giới nghệ sỹ thành lập doanh nghiệp để quản lý minh bạch thu nhập, chi phí trong hoạt động của mình, trong đó có việc kê khai nộp thuế thu nhập liên quan đến hoạt động của nghệ sỹ là việc hết sức bình thường và cần được hoan nghênh, do đây cũng là xu hướng tất yếu ở một xã hội văn minh.
Chúng ta cũng không nên gọi đó là “chiêu” chỉ vì thấy rằng, việc thành lập doanh nghiệp có lợi cho giới văn nghệ sỹ (do nộp thuế TNDN thông qua công ty quản lý sẽ thấp hơn nộp thuế TNCN khá nhiều). Việc chống thất thu thuế, đương nhiên là công việc của Nhà nước, thông qua hệ thống pháp luật, cơ quan thuế vụ và hệ thống công cụ để vận hành. Tiếp theo là sự quyết tâm, nghiêm túc và trong sạch của các cán bộ ngành thuế trong khâu tổ chức kiểm soát thu nhập của các nghệ sỹ một cách chính xác, đầy đủ và minh bạch để chống thất thu cho ngân sách.
Đối với hiện tượng người nộp thuế “quên” kê khai, kê khai sót thu nhập…theo tôi, trước hết cơ quan thuế cần Luật hóa các quy định kèm theo các hình thức chế tài nghiêm minh đối với gian lận thuế và trang bị được hệ thống công cụ với công nghệ cao để kiểm soát thu nhập của đối tượng nộp thuế để các nghệ sỹ có muốn “quên” cũng không dám, thay vì chỉ hô hào vận động và mong họ thấy hổ thẹn, cắn rứt lương tâm mà thôi “né” thuế.
Thưa ông, nhằm chống thất thu thuế trong giới nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên mà còn rất nhiều ngành nghề khác như bác sỹ…vấn đề đặt ra là cần phải siết chặt việc trả thù lao tiền mặt?
Chủ trương xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt đã được nước ta đặt ra từ lâu, xuất phát từ nhu cầu tất yếu của nền kinh tế cũng như đánh giá được xu hướng hội nhập toàn cầutất yếu. Điều này càng đặc biệt cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh thế giới đang tiến rất nhanh trong cuộc cách mạng công nghệ số hóa cũng như công cuộc phòng, chống tham nhũng hiện nay với quyết tâm rất cao của riêng Việt Nam. Với khối lượng công việc khổng lồ, cán bộ thuế gần như không thể “lao động chân tay” theo kiểu bằng mắt nhìn để đong đếm số tiền các bên trả cho nhau là bao nhiêu.
Chẳng hạn, cơ quan thuế hoàn toàn có thể quy định rằng, mỗi khi tài khoản phát sinh số dư (có nguồn tiền chuyển vào) thì phải chứng minh nguồn gốc (ví dụ cát sê do đâu chi trả) và người thụ hưởng có trách nhiệm khai báo thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập.Từ đây, cơ quan thuế sẽ kiểm tra dữ liệu người chi trả thu nhập và người nhận thu nhập để đối chiếu, xác minh. Nếu thực hiện khép kín chu trình này thì bản thân phía người chi trả thu nhập – tức các doanh nghiệp thuê dịch vụ của các nghệ sỹ cũng cần phải công khai khỏan chi đó để họ được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp của chính họ.
Tuy nhiên, cần lưu ý thêm là việc siết chặt chi trả thù lao cho các nghệ sỹ bằng tiền mặt cũng mới chỉ giải quyết được một phần của vấn đề. Căn cơ hơn, cần xác định được thế nào là các chi phí hợp lý, hợp lệ đối với hoạt động của các doanh nghiệp quản lý hoạt động của các nghệ sỹ, người mẫu hay hoạt động phát sinh thu nhập của cá nhân người nộp thuế; kiên quyết loại trừ những khoản chi “khống”, “ảo”…để nhằm làm giảm doanh thu, thậm chí chủ ý đẩy doanh nghiệp vào tình trạng “lỗ giả, lãi thật” dẫn đến việc thất thu thuế của Nhà nước.
Cần xử lý thật nghiêm minh đối tượng trốn thuế, về cả tài chính lẫn trách nhiệm hình sự - như các quốc gia tiên tiến đã áp dụng. Với đặc điểm của giới văn nghệ sỹ hay cá nhân có thu nhập cao thì “giá trị bản thân”, “thương hiệu cá nhân” chính là nền tảng tạo ra thu nhập. Do đó, thiết nghĩ, cũng nên tính việc công bố rộng rãi thông tin xử lý hành vi gian lận thuếh bên cạnh chế tài răn đe cứng rắn.
Xin trân trọng cảm ơn luật gia!