Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, TP Hồ Chí Minh. |
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, các Sở Công Thương cần chủ động có kế hoạch triển khai chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tạo nguồn hàng hóa cho dịp cuối năm. Đồng thời, triển khai các chương trình bình ổn thị trường, kiểm soát hàng hóa trong các giai đoạn tiêu dùng cao điểm.
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 9 do căng thẳng chính trị tiếp tục gia tăng tại bán đảo Triều Tiên và những biến động liên quan đến tài chính (đồng USD suy yếu trước việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định sẽ tăng lãi suất đồng USD muộn hơn dự kiến) là những tác nhân chủ yếu khiến giá cả hàng hóa tăng giảm đan xen. Giá nhóm hàng kim loại giảm, trong khi giá nhóm hàng nông sản (gạo, thức ăn chăn nuôi…) và năng lượng tiếp tục tăng cao do nhu cầu tăng vào cuối năm.
Cùng đó, tại thị trường trong nước tình hình mưa bão tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại lớn đến đời sống, sản xuất, học tập của người dân. Thị trường hàng hóa tại các địa phương khác trên cả nước sôi động trong dịp nghỉ lễ 2/9 và khai giảng năm học mới.
Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa, dịch vụ tốt nên giá không tăng đột biến. Chỉ riêng giá một số dịch vụ ăn uống và lưu trú tại các khu du lịch tăng do nhu cầu cao. Giá các mặt hàng thiết yếu khác tăng nhẹ do đang vào vụ cuối năm, chuyển mùa, nhu cầu tăng và ảnh hưởng của giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng liên tục tăng trong thời gian vừa qua.
Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 9 đạt 336.585 nghìn tỷ đồng, tăng 1,75% so với tháng trước. Trong đó, các nhóm du lịch, lưu trú, ăn uống tăng cao (lần lượt tăng 4,5% và 8,8%) do nhu cầu các dịch vụ này tăng dịp nghỉ lễ 2/9.
Tính chung 9 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 2.917.545 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm vẫn tăng 9,16%. Đây là mức tăng khá tốt trong thời gian gần đây.
Các chuyên gia thương mại dự báo, thị trường hàng hóa dự báo sẽ sôi động do nhu cầu tăng. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nguyên nhiên liệu thế giới tăng cũng ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong nước. Giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý được điều chỉnh theo lộ trình (y tế, giáo dục, điện). Tuy nhiên, với sự phối hợp điều hành của các Bộ, ngành, địa phương, cộng với mặt bằng giá không cao sẽ hỗ trợ hạn chế sự tăng giá chung.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bước vào thời gian cuối năm, mục tiêu lớn nhất là phải đảm bảo ổn định thị trường, tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, tăng cường kiểm soát thị trường, đặc biệt với các nhóm mặt hàng có nhu cầu lớn trong dịp Tết. Cùng đó, cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT đối với hàng hóa dịch vụ trong thời điểm này để tránh làm tăng giá bán, giảm sức mua trên thị trường dẫn tới giảm tăng trưởng kinh tế nói chung.
Đối với mặt hàng chăn nuôi, dù giá thịt lợn hơi đã dần ổn định, tuy nhiên mức tăng giá này chưa khuyến khích người chăn nuôi lợn tái đàn nhiều. Do vậy, các địa phương và cơ quan liên quan đánh giá mức độ tái đàn, căn cứ nhu cầu tiêu thụ có những biện pháp hỗ trợ người chăn nuôi để yên tâm sản xuất, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong dịp cuối năm và Tết cổ truyền 2018.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ trong điều hành thị trường, giá các hàng hóa do Nhà nước quản lý; phối hợp trong tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành của Nhà nước và bình ổn thị trường hàng hóa.