Tại cánh đồng của xã An Hải, huyện Lý Sơn, nhiều hộ dân đã thu hoạch tỏi. Tuy nhiên, tâm trạng chung của những nông dân này đều không vui khi tỏi năm nay mất mùa.
Đang tận thu những cây tỏi còn sót lại trên thửa ruộng của gia đình, chị Phạm Thị Mỹ, xã An Hải cho biết, nguyên nhân tỏi năm nay mất mùa là do nắng nóng, thiếu nước tưới, sâu bệnh.
Từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn gần như không có mưa, nên bà con phải thường xuyên tưới nước cho cây tỏi. Mỗi lần tưới nước đều phải trả tiền nước, điện là 120.000 đồng/lần. Không chỉ vậy, đợt này do sương mù nhiều nên cây tỏi có nhiều sâu bệnh, đặc biệt là bệnh rầy nên tỏi bị úa vàng, thối gốc.
Tỏi không chỉ mất mùa, mà còn rớt giá thê thảm. Nếu như thời điểm này năm 2018, tỏi tươi được mua với giá 50.000 đồng/kg thì hiện nay tỏi lại chỉ được thu mua với giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg.
“Nếu tính chi phí giống, cát, các loại thuốc, điện nước thì mỗi sào đã tốn từ 12 - 15 triệu đồng. Với thực trạng cây tỏi của gia đình tôi năm nay thì chắc chắn bị lỗ vốn. Đặc biệt, giá tỏi không chỉ thấp mà còn ít thương lái thu mua. Bởi hiện nay số tỏi khô vẫn còn tồn đọng trong gia đình một số hộ dân cũng như các cơ sở thu mua”, bà Nguyễn Thị Trúc, cho biết.
Huyện đảo Lý Sơn có gần 4.000 hộ nông dân sản xuất nông nghiệp với khoảng 3.200 ha đất sản xuất hành, tỏi. Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết giá tỏi thấp là do hiện nay gần như địa phương nào cũng trồng được tỏi nên đáp ứng được nhu cầu của địa phương mình; nhiều cá nhân đưa tỏi từ các địa phương khác về trà trộn để bán dưới thương hiệu tỏi Lý Sơn làm ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín đối với người tiêu dùng.
Tỏi Lý Sơn là một mặt hàng nông sản của huyện đảo Lý Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể từ năm 2009. Tuy nhiên, thời gian gần đây mặt hàng này bị ứ đọng số lượng lớn.
Do đó, để bảo vệ thương hiệu cho tỏi Lý Sơn, bà Hương cho hay, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: vận động người dân, các chủ tàu thuyền không chở tỏi từ nơi khác ra huyện đảo Lý Sơn; thường xuyên kiểm tra các hộ kinh doanh tỏi và yêu cầu phải có bảng phân định rõ ràng giữa tỏi Lý Sơn và tỏi địa phương khác để người tiêu dùng yên tâm.
Ngoài ra, để cho việc phát triển tỏi bền vững, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, huyện Lý Sơn đang hợp đồng với một đơn vị tư vấn để xây dựng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Hy vọng, cuối năm 2019 chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn được công nhận thì đây là bước để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng, đồng thời góp phần giúp người dân huyện đảo có thêm thu nhập.
Cũng là tỏi Lý Sơn, nhưng hiện tại có anh Nguyễn Văn Định, thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn đang trồng, kinh doanh tỏi “sạch 100%” đã được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Sự khác biệt trong cách trồng tỏi của anh Định là dùng mùn rác hữu cơ của nhà máy rác thay cho phân hóa học.
Ngoài lớp phân mùn (rải giữa 2 lớp đất thịt và cát trước khi xuống giống) mua với giá 600 đồng/kg, với số lượng sử dụng 500 - 700 kg/sào, sau đó chỉ tưới nước, chăm sóc chứ không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Đầu tư theo kiểu này chỉ tốn khoảng 8 triệu đồng/sào nhưng năng suất tỏi không bị giảm. Sản lượng tỏi ước đạt 600 - 700 kg tỏi tươi/sào.
Hiện, tỏi sạch được anh Định bán với giá hơn 200.000 đồng/kg nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Anh Định cho biết, trong thời gian tới, anh sẽ tăng diện tích và liên kết với một số hộ dân trên đảo để trồng theo hướng mới này.