Mới đây, tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan TP Hà Nội) đã xảy ra trường hợp cháu bé 9 tuổi, quốc tịch Australia đứng tên trên tờ khai đề nghị hoàn thuế VAT với tư cách người mua hàng và hàng hóa là một chiếc đồng hồ trị giá 6 tỷ đồng.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, cháu bé có 2 hộ chiếu Việt Nam và Australia. Khi xuất cảnh đã xuất trình hộ chiếu Việt Nam, nên Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã từ chối hoàn thuế VAT, do không thuộc đối tượng hoàn thuế VAT theo quy định tại Thông tư 72/2014/TT-BTC về hoàn thuế VAT đối với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh (Thông tư 72).
Quy định tại điều 2 Thông tư này nêu rõ, đối tượng áp dụng hoàn thuế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trừ thành viên của Tổ bay theo quy định của pháp luật về hàng không, thành viên của Đoàn thủy thủ theo quy định của pháp luật về hàng hải (gọi tắt là người nước ngoài) mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập xuất cảnh do nước ngoài cấp còn giá trị và sử dụng giấy tờ đó để nhập xuất cảnh Việt Nam, mua hàng hóa tại Việt Nam và mang theo hàng hóa ra nước ngoài qua các cửa khẩu hoàn thuế.
Ngoài ra, Thông tư 72 của Bộ Tài chính cũng chưa quy định cụ thể về độ tuổi của người đề nghị hoàn thuế.
Theo Tổng cục Hải quan, trường hợp người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đã được cấp thẻ tạm trú dài hạn, khi xuất cảnh có đề nghị hoàn thuế (trị giá tài sản hoàn thuế lớn), sau đó nhập cảnh trở lại Việt Nam và mang theo tài sản đã được hoàn thuế.
Đó là trường hợp ông Hwang Gi Sun, quốc tịch Hàn Quốc được cấp thẻ tạm trú dài hạn, ngày 3/1/2019 có đề nghị hoàn thuế cho chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 4,39 tỷ đồng. Vào ngày 15/1/2019, ông Hwang Gi Sun xuất cảnh từ Nội Bài đi Thái Lan (trong hóa đơn đặt vé máy bay thể hiện cả chiều đi từ Việt Nam đến Thái Lan và ngược lại), mang theo chiếc đồng hồ đã được hoàn thuế. Tuy nhiên, đến ngày 16/1/2019 ông này nhập cảnh trở lại Việt Nam cầm theo chiếc đồng hồ nêu trên.
Tổng Cục Hải quan cho biết: Đối chiếu quy định tại Thông tư 72, khi xuất cảnh, ông Hwang Gi Sun là đối tượng hoàn thuế VAT. Tại thời điểm đề nghị hoàn thuế VAT, nếu có đầy đủ các chứng từ hợp lệ và làm thủ tục hoàn thuế VAT theo quy định tại Thông tư 72, thì Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã thực hiện hoàn thuế VAT cho trường hợp này là đúng quy định.
Trong khi nhập cảnh, căn cứ Điều 54 Luật Hải quan và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan cho biết, trường hợp này chiếc đồng hồ đã được hoàn thuế VAT. Nếu cơ quan hải quan phát hiện ông Hwang Gi Sun nhập cảnh mang theo hành lý có vật phẩm vượt định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP thì phải kê khai nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
Để ngăn ngừa các trường hợp lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản chính sách có liên quan đến việc hoàn thuế VAT với hàng hóa của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo khi xuất cảnh phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.