Theo đó, tại thị trường thành phố, không chỉ số lượng giao dịch thương mại tăng lên cùng với giá trị đơn hàng bán lẻ, mà số lượt khách hàng đến điểm bán lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ... cũng đang tăng lên và trở lại mức như bình thường trước thời điểm giãn cách xã hội.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, chị Hoàng Mai, chủ quán kinh doanh phở trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh cho hay, lượng khách hàng đã tăng lên gấp hai và ba lần so với thời điểm đầu tháng 10/2021. Tuy quán phải tăng cường mở rộng phương thức kinh doanh đa dạng như phục vụ khánh hàng tại chỗ, mua mang về và cả nhận đơn hàng online mới đạt được kết quả này, nhưng việc doanh thu của quán đang trở lại như ngày thường có ý nghĩa lớn với những đơn vị kinh doanh nhỏ, lẻ.
Cũng trong tâm trạng phấn khởi, chị Minh Anh, tiểu thương chợ Tân Định, Quận 1 cho biết, tính đến thời điểm này, người tiêu dùng đã mạnh dạn đi chợ mua sắm hàng ngày nên nhiều đơn vị kinh doanh đỡ vất vả hơn trong khâu nhận đơn hàng và giao hàng tận nơi. Dù phải đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19, nhưng nhiều tiểu thương, thương nhân... đã có điều kiện thuận lợi hơn trong phục vụ khách hàng và giữ chân khách hàng.
Khảo sát thực tế trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết cơ sở kinh doanh dịch vụ, bán lẻ đã tái mở cửa hoạt động trở lại nên thị trường tiêu dùng ngày càng nhộn nhịp với số lượng giao dịch thương mại tăng lên từng ngày. Bên cạnh đó, sau khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Tp. Hồ Chí Minh được kiểm soát, người dân đã nâng cao nhận thức và có ý thức hơn trong việc chủ động bảo vệ sức khỏe, cũng như linh hoạt mọi biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Hơn thế nữa, nhiều người tiêu dùng cho biết đã có thói quen phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đến mua sắm tại điểm bán lẻ như đo nhiệt độ, khử khuẩn, 5K, quét mã QR khai báo y tế... đồng thời nhận định đây là những biện pháp cần thiết, vừa đảm bảo an toàn cho mỗi cá nhân, vừa chung tay bảo vệ thành quả phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và cộng đồng xã hội.
Theo anh Anh Đức, nhân viên văn phòng tại Quận 3, hiện tại gia đình vẫn giữ duy trì sử dụng khẩu trang và kính chắn giọt bắn khi đến nơi công cộng, thường xuyên khử khẩn sau khi tiếp xúc và sử dụng nước muối sinh lý mỗi ngày. Ngoài ra, gia đình cũng ưu tiên lựa chọn mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tại những trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng... có biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để chủ động giảm thiểu nguy cơ nhiễm dịch bệnh.
Trong khi đó, để kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sức mua trên thị trường, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh... đều triển khai liên tục chương trình giảm giá, khuyến mãi cho người tiêu dùng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Hoạt động kích cầu tiêu dùng diễn ra đồng loạt từ kênh bán lẻ hiện đại đến kênh bán hàng trự tuyến (online) và mạng lưới kinh doanh trực tiếp (offline), áp dụng đối với phong phú nhóm ngành hàng như lương thực, thực phẩm, quần áo thời trang, điện tử - điện máy, chăm sóc sức khỏe cá nhân...
Điển hình, từ hôm nay (ngày 4/11) đến ngày 22/11, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đồng loạt tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng điểm thưởng, hoàn tiền mua sắm, tổ chức tặng quà cho công nhân… nhằm thiết thực tri ân khách hàng và tạo không khí mua sắm an toàn cho người dân trong điều kiện "bình thường mới". Chương trình này, được áp dụng tại gần 1.000 điểm bán, gồm: hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers...
Giám đốc Khối vận hành hoạt động Co.opmart Nguyễn Ngọc Thắng cho biết, trong thời gian này, Saigon Co.op sẽ phối hợp với những thương hiệu như Suntory Pepsico, Coca-Cola, Abbott, Carlsberg Vietnam, Unilever… thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa hấp dẫn. Nổi bật là chương trình giảm giá đến 47% cho hơn 11.000 sản phẩm nhu yếu; siêu ưu đãi giảm hơn 50% cho các loại sữa, dầu ăn, nước ngọt, dụng cụ nhà bếp vào những ngày cuối tuần; gói combo giá tốt “Siêu thị Việt cho người Việt”; “Giá sốc giảm tận gốc” giảm gần 50% khi mua thêm sản phẩm cùng loại; “Đại tiệc ẩm thực Việt” giảm sâu nhóm thủy hải sản, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị, rau củ quả...
Cùng với giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, Saigon Co.op còn tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tạo giá trị tăng thêm cho khách hàng. Trong đó, có thể kể đến hoạt động tặng điểm thưởng mức cao, hoàn tiền khi mua sắm, kết hợp nhãn hàng tặng quà, tăng dịch vụ online, các hình thức thanh toán thẻ để tăng thêm trải nghiệm tiện ích và an toàn cho khách hàng…
Tương tự, Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ sức sản VISSAN thực hiện chương trình khuyến mãi “Mua thịt tươi ngon – Nhận ngay quà tặng". Theo đó, khi khách hàng khi mua đơn hàng thịt tươi sống VISSAN với giá trị từ 200.000 đồng trở lên sẽ được tặng một gói Hạt nêm chuẩn vị thịt VISSAN 200g.
Chương trình được áp dụng trong các ngày 19-21/11 tại hệ thống siêu thị Satra và ngày 24-26/12 tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Với danh mục hơn 300 sản phẩm đa dạng từ thực phẩm tươi sống cho đến thực phẩm chế biến, VISSAN là một trong những thương hiệu cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “Từ trang trại đến bàn ăn”. VISSAN cũng cam kết kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm ra thị trường, đảm bảo cung cấp những sản phẩm chất lượng đến tận tay người tiêu dùng.
Theo đánh giá của một số sở, ngành Tp. Hồ Chí Minh, bước sang tháng 10/2021, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội. Đây còn là thời điểm tháng quý cuối của năm, nên nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân cũng thường tăng cao, còn các đơn vị kinh doanh đã chuẩn bị kế hoạch cho việc tái sản xuất, buôn bán với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá.
Số liệu do Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh vừa công bố cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 trên địa bàn thành phố đạt 43.602 tỷ đồng, tăng 27% so với tháng trước và giảm 52,3% so với tháng cùng kỳ năm trước. Nếu cộng dồn 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh đạt 3.272 tỷ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Một số nhóm ngành có tốc độ tăng cao trong tháng 10/2021 so với tháng trước là sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ ước đạt 810 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với tháng trước. Đồng thời, nhiều đơn vị kinh doanh quá tải, lượng khách tăng mạnh do nhiều người dân có nhu cầu bảo dưỡng xe cộ sau khi chấm dứt việc giãn cách xã hội. Hay ngành hàng may mặc đạt 1.925 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng năm trước và doanh thu phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) 2.257 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần.