Cùng đó, tại kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Đặc biệt, kể từ sau dịch COVID-19 đến nay đã có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, việc xây dựng các mô hình này không chỉ giúp đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, mà còn góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Phần lớn các mô hình đều đang phát huy hiệu quả và thu hút dông đảo người dân tới mua sắm.
Chính từ các hoạt động kể trên, sức mua của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng tăng cao và có tới hơn 90% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 75% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè nên mua hàng Việt; tỷ trọng hàng Việt tại các chợ chiếm trên 70%...
Riêng với địa bàn Hà Nội, qua khảo sát một số siêu thị như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60 - 96%.
Ngoài ra, tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên. Điều này đã cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà hiện tại, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước.
Bên cạnh đó, hàng Việt từ lâu đã len lỏi đến từng ngõ ngách, thôn, bản, làng xã và các gia đình người Việt. Từ sự thân quen, gần gũi đã trở thành niềm tin, không ít người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam là số một trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng và chất lượng không kém hàng ngoại.
Để có những thành công trên, bà Lê Việt Nga nhận định, ý thức của doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang việc phải chinh phục được người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, bằng ứng dụng khoa học-công nghệ, giải pháp quản lý tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi để phục vụ cho người dân ngày càng tốt hơn.
Ngoài ra, có những doanh nghiệp lâu nay vốn hướng đến thị trường xuất khẩu nay đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường trong nước bằng những hàng hóa đạt chuẩn của những quốc gia khó tính. Bên cạnh đó, phát triển được mạng lưới phân phối tại thị trường trong nước hoặc kết nối thành công với những doanh nghiệp phân phối khác.
Đáng lưu ý, sự chuyển biến về nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam cũng được thể hiện rõ thông qua việc tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.”
Để chương trình Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được lan tỏa sâu rộng và hiệu quả, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới.
Hơn nữa, nhằm nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, mới đây Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2022 hướng tới đưa hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, để phát triển và tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt, theo các chuyên gia thương mại, tới đây doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải nâng cao trình độ và năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và hợp tác với doanh nghiệp khác. Đặc biệt, doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất cần bắt tay chặt hơn trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam.
Các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực, cụ thể về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu; phối hợp với lực lượng chức năng để kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, nâng cao khả năng quản lý trên các mô hình công nghệ số thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử, các phần mềm nghiệp vụ; thực hiện đồng bộ các biện pháp về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả, phân phối và xúc tiến thương mại.
Điều này tác động tới khả năng tiêu thụ sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu khách hàng, từ đó góp phần làm tăng doanh thu, tăng thị phần và vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho biết thời gian tới, các đơn vị chức năng của bộ sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động và các nội dung “Tự hào hàng Việt Nam,” “Tinh hoa hàng Việt Nam”.
Việc này nhằm quảng bá cho hàng Việt có chất lượng và doanh nghiệp Việt Nam uy tín, sản xuất xanh, áp dụng truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp trong nước tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt nhằm nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng.