Ngày càng nhiều các khách hàng lựa chọn mua hàng qua mạng xã hội. Ảnh minh họa: Nam Hoàng
|
Dư luận vừa xôn xao về trường hợp một cá nhân viết chương trình trò chơi được tải nhiều trên mạng Facebook, Google, YouTube... và đã chạy quảng cáo trên các chương trình này, được trả hơn 41 tỷ đồng trong hai năm 2016 - 2017 nhưng không kê khai, nộp thuế.
Trước thông tin này, khi được Cục Thuế TP Hồ Chí Minh mời đến làm việc, cá nhân này đã thừa nhận chưa thực hiện nghĩa vụ thuế; đồng thời, cam kết sẽ tự nguyện khắc phục hậu quả.
"Tuy nhiên, do việc không khai thuế này xảy ra trong thời gian dài, nên cơ quan thuế phải truy thu, phạt và tính tiền chậm nộp. Tổng số tiền 4,1 tỷ đồng, trong đó gần 3 tỷ là tiền truy thu, còn lại là tiền phạt và chậm nộp", ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh nói.
Theo ông Bình, đây là lần đầu tiên một cá nhân nhận thu nhập 41 tỷ đồng trong 2 năm từ nước ngoài bị truy thu thuế với số tiền lớn như vậy. Vụ việc này được phát hiện khi cơ quan thuế đề nghị các ngân hàng rà soát những khoản thu nhập được chuyển cho Google, Facebook, YouTube... nhưng không khấu trừ thuế.
Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, qua tra soát, cơ quan thuế phát hiện không chỉ có cá nhân, doanh nghiệp trong nước trả tiền quảng cáo cho Facebook, Google, YouTube... mà ngược lại các tổ chức này cũng trả số tiền rất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp trong nước. Những khoản thu nhập này phần lớn không được kê khai, nộp thuế hoặc nộp thuế không đầy đủ.
Một cá nhân khác có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam, tạm trú ở TP Hồ Chí Minh cũng được Facebook, Google, YouTube... trả khoản tiền ước tính 20 - 30 tỷ đồng, cũng chưa kê khai nộp thuế. Thế nhưng, khi cơ quan thuế mời lên làm việc, thì cá nhân này không còn ở địa chỉ tạm trú trên. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã gửi thông tin cho Cục thuế Quảng Nam để tiếp tục xử lý trường hợp này.
Trước lo ngại về những cá nhân trong diện nộp thuế lớn không còn ở nơi tạm trú, ông Lưu Đức Huy cho hay: Căn cứ để cơ quan thuế thực hiện việc truy thu thuế đối với các trường hợp này, đó là theo quy định của Luật Quản lý thuế, nếu tổ chức, cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), có thể phát sinh thu nhập từ 2 chiều. Tức là các tổ chức, cá nhân sống tại Việt Nam có thể thông qua các trang mạng (Google, Facebook) để thực hiện quảng cáo hoặc phối hợp ký kết các hợp đồng, thông qua đó để kinh doanh thì phải có nghĩa vụ trả một khoản tiền cho các trang mạng này. “Với trường hợp này, theo quy định của pháp luật, thì các tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập (tại Việt Nam) phải thực hiện khấu trừ thuế trước khi trả cho các tổ chức, cá nhân có trang mạng TMĐT (nước ngoài). Ngược lại, thông qua các trang mạng này, các tổ chức hoặc cá nhân tại Việt Nam cũng có thể có những khoản thu nhập từ các trang mạng này khi cung cấp các dịch vụ cho các trang TMĐT. Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ các trang mạng này phải thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định pháp luật thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp”, ông Huy nói.
Từ những trường hợp điển hình trên, đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, qua tra soát, không chỉ có 1 - 2 cá nhân nhận vài chục tỷ đồng từ Facebook, Google, YouTube... mà con số còn lớn hơn nhiều. “Chỉ qua rà soát tại 4 ngân hàng có tới hơn 500 tỷ đồng được các tổ chức trên chuyển trả cho hàng nghìn cá nhân tại Việt Nam”, lãnh đạo Cục thuế TP Hồ Chí Minh cho hay.
Rà soát hơn 50.000 tài khoản bán hàng
Năm 2017, Tổng cục Thuế rà soát cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội chưa kê khai, nộp thuế, với 50.065 chủ tài khoản trên mạng xã hội quảng cáo, bán hàng qua mạng trên toàn quốc đã được cơ quan thuế gửi giấy mời lên làm việc, rà soát kê khai, nộp thuế. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là 2 địa phương có lượng tài khoản kinh doanh qua mạng lớn nhất, lần lượt 13.422 và 15.297 tài khoản. Số còn lại nằm tại các thành phố lớn khác như Đà Nẵng, Khánh Hoà và Nghệ An.
Sau khi rà soát, một cá nhân tại TP Hồ Chí Minh đã bị truy thu, phạt hơn 9 tỷ đồng vì hành vi bán hàng qua mạng Facebook, nhưng không kê khai đầy đủ doanh thu kinh doanh.
Để giám sát, truy thu thuế với các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp sắp tới là xây dựng cơ sở dữ liệu riêng về hộ kinh doanh của từng địa phương. Cùng đó, thực hiện cập nhật thông tin quản lý rủi ro về hộ kinh doanh vào hệ thống quản lý thuế tập trung của ngành thuế (hệ thống TMS) theo quy định. Từ đó, dễ dàng kết nối với cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế, làm tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro đối với hộ kinh doanh tập trung tại Tổng cục Thuế.
Theo ông Lưu Đức Huy, Tổng cục Thuế cũng đã có văn bản yêu cầu các cục thuế hướng dẫn, tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT này hiểu, để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Yêu cầu cơ quan thuế các cấp tiến hành rà soát, nắm rõ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, từ đó đôn đốc người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT phải đăng ký kê khai, nộp thuế theo quy định.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nề nếp. Yêu cầu cơ quan thuế các cấp phải tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan ban, ngành có liên quan (sở công thương, sở kế hoạch và đầu tư, công an tỉnh, sở thông tin và truyền thông…) phối hợp với cơ quan thuế để tiến hành quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn.
Mặt khác, cơ quan thuế phối hợp với các tổ chức tín dụng để trao đổi thông tin dữ liệu theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 102/2010/TTLT-BTC-NHNN. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện cung cấp các tài liệu có liên quan để xác định nghĩa vụ thuế đối với người nộp thuế.