Chốt phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm 18,16 điểm và dừng lại ở 1.174,85 điểm; HNX-Index giảm 5,4 điểm xuống còn 220,80 điểm. Mặc dù khối lượng giao trong phiên này chỉ có 1.279,8 triệu đơn vị được giao dịch nhưng thanh khoản cũng đạt khá cao, hơn 27.040 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch này khối ngoại đã mua ròng nhiều hơn với hơn 2.614 tỷ đồng, trong khi đó bán ròng thấp hơn 600 tỷ đồng, đạt 1.992,44 tỷ đồng. Tài chính, chứng khoán, bất động sản tiếp tục là nhóm ngành giảm mạnh trong phiên này. Tương tự, tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất vẫn là VIC, CTG, VHM, TCB, BCM, FPT, BID, LPB, SAB, GVR.
Với sự giảm điểm của ngày hôm nay, các công ty chứng khoán nhận định, triển vọng ngắn hạn của thị trường vẫn chưa thể lạc quan ngay trở lại, nguyên nhân nhà đầu tư đang phản ứng trước nhiều thông tin không mấy tích cực. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng những nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống mức an toàn, không nên bắt đáy vì thị trường chưa có dấu hiệu ngừng giảm.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital, TTCK Việt Nam hiện nay ngoài ảnh hưởng từ xung đột chính trị ở khu vực Trung Đông, các nhà đầu tư còn lo ngại về biến động về tỷ giá do Fed vẫn duy trì mức lãi suất cao, tỷ giá USD/VND đã tăng khá mạnh trong những ngày qua. Nếu tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 4%. Những biến động về tỷ giá đã tạo ra nhiều thách thức hơn cho Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát các mục tiêu về lãi suất - tỷ giá - lạm phát.
Tương tự, Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cũng cho rằng, những tác động ảnh hưởng trên đã làm cho TTCK liên tục giảm điểm. Như vậy, tính luôn cả 3 phiên trước đó, thị trường đã giảm hơn 100 điểm, đánh mất nỗ lực tăng điểm hơn 2 tháng trước đó. Thiếu lực cầu bắt đáy dẫn đến quán tính rơi vẫn mạnh khiến các ngưỡng hỗ trợ MA liên tục bị phá vỡ.
Bên cạnh đó, sẵn với tâm lý dễ bị tổn thương của thị trường, nhiều tin đồn thất thiệt đã góp phần khiến VN-Index lại một lần nữa không giữ được vùng 1.250. SSV kỳ vọng, VN-Index sẽ có nhịp tích lũy tại vùng này. Khuyến nghị nhà đầu tư nên bình tĩnh và tận dụng những nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu xuống mức an toàn, không nên bắt đáy vì thị trường chưa có dấu hiệu ngừng giảm.
Nghỉ lễ 30/04 - 01/05, chứng khoán không giao dịch bù vào thứ Bảy
Ngày đi làm bù vào thứ Bảy (04/5/2024), các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) sẽ không thực hiện giao dịch và hoạt động bù trừ, thanh toán. Do đó, thị trường sẽ không có ngày giao dịch bù cho phiên thứ Hai (29/04/2024).
Căn cứ Công văn số 2450/VPCP-KGVX ngày 12/04/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc đồng ý đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/04 và ngày Quốc tế lao động 01/05 năm 2024; Công văn số 2780/UBCK-PTTT về việc công bố lịch nghỉ giao dịch thị trường công cụ nợ năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây có thông báo về lịch giao dịch trong dịp nghỉ lễ.
Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) thực hiện nghỉ hoán đổi theo Công văn 2450/VPCP-KGVX ngày 12/04/2024 của Văn phòng Chính phủ. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ nghỉ từ thứ Bảy, ngày 27/04/2024 đến hết thứ Tư ngày 01/05/2024.
Tổng cộng, kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, bao gồm ba ngày làm việc đầu tuần do hoán đổi ngày làm việc từ thứ Hai, ngày 29/04/2024 sang ngày thứ Bảy, ngày 04/05/2024. Giao dịch trên sàn chứng khoán do đó cũng sẽ ngừng trong các ngày nghỉ lễ trên.
Cùng đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, vào ngày đi làm bù vào thứ Bảy ngày 04/05/2024, các sở giao dịch chứng khoán và VSDC cũng sẽ không thực hiện giao dịch và hoạt động bù trừ, thanh toán.