Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Việt Nam giám sát chặt chẽ quy cách đóng gói, các vấn đề về kiểm soát sinh vật gây hại, mã số vùng trồng, lưu trữ hồ sơ... nhằm đảm bảo chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đưa ra 5 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch không được phép xuất hiện trong chanh leo khi nhập khẩu vào thị trường nước này.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp trong việc lấy mẫu kiểm tra các lô hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc sản xuất chanh leo phải đáp ứng các yêu cầu về thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, GlobalGAP…
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chanh leo vào Trung Quốc phải đăng ký qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Các thông tin đăng ký bao gồm: tên sản phẩm, địa chỉ và mã số đăng ký để truy xuất nguồn gốc...
Hàng năm, trước thời kỳ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi danh sách doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc để cơ quan này phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ công bố danh sách trên website chính thức.
Các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu chanh leo sang thị trường Trung Quốc liên hệ đầu mối là Cục Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn.
Việc Trung Quốc đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo từ ngày 1/7 là kết quả từ sự nỗ lực trong suốt thời gian dài đàm phán, mở cửa thị trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chanh leo hiện nằm trong top 10 loại cây ăn quả Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao năm 2021. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh leo Việt Nam tăng hơn 300%. Chanh leo liên tục gia tăng về diện tích và sản lượng, đặc biệt tại các tỉnh Tây Nguyên. Lợi nhuận trên mỗi ha chanh leo ở Tây Nguyên có thể lên tới 350 - 400 triệu đồng.