Chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.555,14 USD/oune. Tuy nhiên, giá vàng đang hướng tới mức giảm 0,4% trong tuần này, mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 8/11, giữa bối cảnh thỏa thuận thương mại giai đoạn một vừa được Mỹ và Trung Quốc ký kết đã giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và thúc đẩy các kênh đầu tư rủi ro. Giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,4%, lên 1.556,90 USD/ounce.
Bên cạnh đó, số liệu mới đây cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong năm 2019, xuống mức thấp nhất trong gần 30 năm qua, giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp chịu tổn thương và hoạt động đầu tư không ổn định.
Brian Lan, Giám đốc điều hành của GoldSilver Central (có trụ sở tại Singapore), dự báo, dòng vốn đầu tư đổ vào vàng sẽ tăng chút ít trong năm 2020, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu suy yếu và căng thẳng địa chính trị tăng cao.
Cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng giữa Mỹ và Trung Quốc đã “phủ bóng đen” lên nền kinh tế toàn cầu và đẩy giá vàng tăng 18% trong năm 2019. Kim loại quý này vốn được xem là “nơi trú ẩn an toàn” trong thời kỳ bất ổn. Bởi vậy, việc hai nước vừa ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một đã giúp thị trường chứng khoán khởi sắc, nhưng lại tạo sức ép giảm đối với vàng.
Cũng trong phiên này, giá palladium tăng 0,9%, lên 2.333,50 USD/ounce, sau khi chạm mức cao kỷ lục 2.395,13 điểm. kim loại quý này chứng kiến tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 1/2017. Giá bạch kim cũng tăng 0,9% trong phiên này, lên 1.013,57 USD/oune, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2017 vào phiên trước đó. Còn giá bạc tiến 0,5%, lên 18,02 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 16 giờ 5 phút ngày 17/1, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 43,00 - 43,470 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra/.