Vào lúc 14 giờ 43 phút ngày 16/11 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay không đổi ở mức 1.889,01 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 9/11 là 1.898,81 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn Mỹ cũng đi ngang ở mức 1.886,70 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD chạm mức thấp của một tuần, trong khi các chỉ số chứng khoán châu Á ghi nhận mức cao kỷ lục.
Số ca mắc COVID-19 đã vượt mốc 11 triệu tại Mỹ tính đến ngày 15/11, qua đó thúc đẩy các biện pháp hạn chế mới tại bang Michigan và Washington.
Chủ tịch chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) John Williams ngày 13/11 cho hay kinh tế Mỹ vẫn “chìm trong hố sâu” và số ca mắc COVID-19 gia tăng có thể làm chậm quá trình tăng trưởng.
Một số nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ có bài phát biểu trong tuần này, “mở màn” sẽ là bài phát biểu của Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida vào lúc 19h00 GMT ngày 16/11 (tức 00 giờ ngày 17/11 theo giờ Việt Nam) tại một cuộc thảo luận trực tuyến do Viện Brookings tổ chức.
Trong khi đó, chiến lược gia thị trường toàn cầu thuộc công ty dịch vụ tài chính Axi Stephen Innes cho hay vẫn còn những vấn đề tồn tại trong các nền kinh tế, đặc biệt là vấn đề kiến tạo việc làm. Ngoài ra, các chính phủ và ngân hàng trung ương cần hành động để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vàng, thường được hưởng lợi nhờ từ các biện pháp kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương bởi kim loại quý này vốn được coi là tài sản an toàn chống lại lạm phát và đồng tiền mất giá, đã tăng hơn 24% giá trị từ đầu năm 2020 đến nay.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,1% lên 24.89 USD/ounce. Giá bạch kim giao ngay tăng 1,2% lên 899,37 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,9% lên 2.343,90 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều 16/11, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,90 - 56,42 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Trong khi đó, các nhà phân tích của ngân hàng ANZ kỳ vọng mức dư cung dầu mỏ sẽ tăng từ 1,5-3 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm tới.