Vào lúc 13 giờ 48 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á ổn định ở mức 1.827,41 USD/ounce, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 15/7 là 1.832,40 USD/ounce trong phiên trước đó. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,3% xuống 1.830,80 USD/ounce.
Chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp về Nam Á Harshal Barot của tổ chức nghiên cứu kim loại quý Metals Focus có trụ sở ở London (Anh) cho biết nền tảng cơ bản của vàng vẫn còn khả quan, khi rất khó đoán định về việc liệu nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ hay điều gì sẽ xảy ra trên thị trường lao động Mỹ. Ông Barot nói: “Không có tín hiệu rõ ràng nào cho thấy Fed sẽ cần nâng lãi suất một cách mạnh mẽ".
Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời. Vàng tăng hơn 1,4% tính đến thời điểm này của tuần, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng thị trường lao động Mỹ cần có những số liệu mạnh mẽ trong những tháng tới để xem xét việc tăng lãi suất.
Lượng vàng dự trữ do quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ trong phiên 30/7 tăng 0,6%, lần tăng đầu tiên trong khoảng một tháng qua.
Tại Việt Nam, trong phiên giao dịch chiều 30/7, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,70 - 57,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Chứng khoán châu Á đi xuống phiên 30/7
Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên 30/7, khép lại một tuần giao dịch đầy biến động giữa bối cảnh việc Trung Quốc siết chặt các quy định quản lý doanh nghiệp khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Mức sụt giảm trên thị trường châu Á trái ngược với sự lạc quan ở Phố Wall khi các nhà đầu tư đón nhận số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đã trở lại quy mô trước đại dịch trong quý II/2021, dù không như kỳ vọng.
Tuy vậy, điều này cũng đủ làm giảm sức ép lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc bắt đầu rút dần chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Bên cạnh đó, mặc dù các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan, vượt kỳ vọng và dữ liệu kinh tế cho thấy sự phục hồi toàn cầu vẫn đang trên đà phát triển bất chấp số ca mắc biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tăng đột biến, song những động thái siết chặt quản lý mới của Trung Quốc đối với lĩnh vực giáo dục, công nghệ và bất động sản tư nhân đã tác động mạnh đến thị trường chứng khoán châu Á trong tuần này.
Các biện pháp này, bao gồm cấm các công ty giáo dục kiếm lợi nhuận và buộc Tencent từ bỏ bản quyền âm nhạc độc quyền của mình, đã làm dấy lên lo ngại rằng số doanh nghiệp bị đưa vào “tầm ngắm” của Bắc Kinh chưa dừng lại.
Chứng khoán Hong Kong đã mất hơn 9% giá trị trong ba phiên trước những thông báo trên. Tại thị trường Trung Quốc chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4% xuống 25.961,03 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4% xuống 3.397,36 điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,8% xuống 27.283,59 điểm.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Wellington, Đài Bắc, Jakarta và Manila đều nằm trong vùng âm, trong khi chứng khoán Singapore và Mumbai tăng.
Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 1,27% lên 1.310,05 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,25% lên 314,85 điểm.
Chiều 30/7, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống
Trong phiên giao dịch chiều 30/7, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, song vẫn trên đà hướng đến một tuần khởi sắc, nhờ cầu tăng nhanh hơn cung. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng dự kiến giúp giảm bớt tác động từ tình trạng bùng phát trở lại các mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Cụ thể, vào lúc 13 giờ 40 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Chín giảm 56 xu Mỹ (0,7%) xuống 75,49 USD/thùng, sau khi tăng 1,75% trong phiên trước; còn giá dầu Brent giao tháng Mười giảm 64 xu Mỹ (0,9%) xuống 74,46 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ New York giảm 60 xu Mỹ (0,8%) xuống 73,02 USD/thùng, sau khi tăng 1,7% trong phiên trước.
Margaret Yang, chiến lược gia tại chuyên trang tài chính DailyFX có trụ sở tại Singapore, nhận định giá dầu giảm nhẹ trước tâm lý thận trọng trên các thị trường châu Á - Thái Bình Dương khi các nhà đầu tư cân nhắc mối lo ngại về dịch COVID-19 cũng như số liệu việc làm và GDP thấp hơn dự kiến của Mỹ.
Dù vậy, cả hai hợp đồng dầu chủ chốt đều đang hướng tới mức tăng hàng tuần hơn 1%, nhờ các dấu hiệu nguồn cung dầu thô thắt chặt và nhu cầu gia tăng tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Chuyên gia Yang nhận định trong tuần này, giá dầu còn nhận được lực đẩy từ sự suy yếu của đồng USD và báo cáo kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp Mỹ. Các nhà lọc dầu Mỹ như Valero Energy và PBF Energy đều báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý vượt dự báo trước đó của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, chuyên gia Yang lưu ý sự gia tăng các ca mắc COVID-19 do biến thể Delta ở Mỹ có thể phủ bóng lên triển vọng nhu cầu. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng đà phục hồi nhanh chóng trong tiêu thụ xăng và sản xuất công nghiệp của Ấn Độ là một dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang có khả năng chống chọi tốt hơn với đại dịch.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar tại ngân hàng Commonwealth Bank của Australia đánh giá biến chủng Delta là một rủi ro, song sẽ khó tác động mạnh tới tốc độ tăng trưởng nhu cầu trong nửa cuối năm.