Giới phân tích đánh giá, động thái của Fed là vậy, song áp lực áp lực lạm phát tăng đã và đang thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng khi một số nhà đầu tư coi kim loại quý này như một "hàng rào" chống lại lạm phát cao hơn.
Tính chung cả tuần, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp điều chỉnh nhích lên 150 nghìn đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 18/12, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 60,9 - 61,62 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm qua.
Trước đó, giá vàng liên tục tăng trong sáng hai phiên đầu tuần từ ngày 13-14/12, cùng nhịp với giá vàng thế giới tăng trước thềm cuộc họp của Fed, sau đó quay đầu giảm vào sáng 15/12. Sang sáng ngày 16-17/12, giá vàng tăng theo thế giới trước tuyên bố của Fed về các chính sách tiền tệ như giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và dự kiến ba lần tăng lãi suất cho tới cuối năm 2022.
Trên thị trường thế giới, trong phiên giao dịch ngày 17/12, giá vàng tăng trở lại lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce và khép phiên ở mức cao nhất trong gần bốn tuần qua.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao tháng 2/2022 tăng 6,7 USD, tương đương 0,4% lên 1.804,9 USD/ounce. Đây là mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 22/11, qua đó khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức tăng 1,1%.
Ông Colin Cieszynski, Trưởng chiến lược gia thị trường của Công ty Quản lý tài sản SIA Wealth Management (Canada) cho biết, giá vàng tăng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce do dòng vốn đang dịch chuyển từ các tài sản rủi ro sang các loại tài sản trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, một yếu tố cũng hỗ trợ giá vàng là sự không chắc chắn trong tác động của biến thể Omicron đối với nền kinh tế.
Ngoài ra, những lo ngại về lạm phát đang ngày càng gia tăng. Ngân hàng trung ương Vương quốc Anh (BoE) đã phải nâng lãi suất thêm 15 điểm cơ bản lên 0,25%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên lãi suất, nhưng nhấn mạnh rằng chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong thời gian đại dịch sẽ kết thúc vào tháng 3 như dự kiến.
Cả hai động thái này được đưa ra sau khi Fed cho biết, sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hàng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn so với mức đưa ra vào tháng 11/2021. Các quan chức Fed cũng dự kiến ba lần tăng lãi suất vào năm 2022, đẩy nhanh thời gian dự kiến để tăng chi phí đi va.
Ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định giá vàng có thể bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2022 khi chu kỳ nâng lãi suất bắt đầu. Ngân hàng này dự đoán giá vàng sẽ ở mức 1.900 USD/ounce vào cuối năm 2022, tức giảm 200 USD so với dự đoán trước đó.
Trong các dự báo kinh tế mới, Fed dự báo lạm phát của Mỹ sẽ ở mức 2,6% trong năm tới, so với mức 2,2% được dự báo vào tháng 9/2021. Áp lực lạm phát tăng đã thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng khi một số nhà đầu tư coi kim loại quý này như một "hàng rào" chống lại lạm phát cao hơn. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng lưu ý rằng, nền kinh tế Mỹ đang được cải thiện nhanh chóng, nhưng cảnh báo rằng ông không nghĩ đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong thời gian ngắn.
Hầu hết các quan chức Fed đều cho biết thị trường việc làm đủ mạnh và lạm phát đã tăng đủ cao để bắt đầu kéo lại kích thích đã thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ. Fed giữ nguyên mức lãi suất cơ bản từ 0 - 0,25%, mức được thiết lập trong bối cảnh đại dịch bùng phát vào tháng 3/2020. Trong khi Fed chưa thông báo khi nào sẽ tăng lãi suất, các thành viên FOMC kỳ vọng ngân hàng sẽ bắt đầu tăng chi phí đi vay sớm hơn so với đã làm vào tháng 9/2021.
Trong khi đó, Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA (Mỹ) cho rằng, nguy cơ nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái vào năm 2023 dường như vẫn hiện hữu.