P2P lending lần đầu tiên xuất hiện ở Anh, sau đó thành công tại thị trường Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Ở nhiều nước ASEAN như: Thái Lan, Indonesia cũng đã ban hành hoặc đang có nghiên cứu và hoàn thiện để ban hành khung khổ quy định về cho vay ngang hàng.
Theo quy định tại Điều 33 Luật giao dịch điện tử năm 2005, hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Tuy nhiên, hợp đồng điện tử có một số đặc thù khác với hợp đồng dân sự thông thường đó là các yêu cầu về kỹ thuật, chữ ký điện tử; các điều kiện đảm bảo tính toàn vẹn, bảo mật.
“Với các App cho vay tiền trực tuyến hiện nay, việc giao kết hợp đồng vay không đảm bảo đúng quy định của Luật giao dịch điện tử. Vì vậy, nếu phát sinh tranh chấp giữa bên vay và bên cho vay sẽ không có cơ chế pháp lý để giải quyết”, Luật sư Đỗ Minh Hiển nói.
Theo đại diện Văn phòng Luật sư JVN, hợp đồng cho vay trong mô hình cho vay P2P lending là giao dịch dân sự giữa người vay và người cho vay được ký kết trên nền tảng công nghệ số. Đối với các giao dịch này, tiềm ẩn rủi ro cho cả hai bên vì phụ thuộc vào bên cung cấp dịch vụ phần mềm App. Ví dụ, App bị tin tặc tấn công dẫn đến việc thay đổi hoặc mất dữ liệu sẽ dẫn đến các dữ liệu về việc cho vay bị mất và người cho vay, người vay sẽ gặp khó khăn khi chứng minh nếu có tranh chấp xuất phát từ hợp đồng vay.
Luật sư Đỗ Minh Hiển nhấn mạnh: Hoạt động P2P lending ở Việt Nam hiện chưa có văn bản điều chỉnh riêng. Nhà nước cũng chưa cấp phép cho bất cứ công ty nào hoạt động theo mô hình P2P lending. Đây là khoảng trống pháp lý để các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài) lợi dụng hoạt động cho vay biến tướng, "đội lốt" mô hình cho vay P2P lending với các hoạt động trái pháp luật như: Huy động tiền của các đầu tư với lãi suất cao rồi lấy tiền người trước trả cho người sau; tự đứng ra cho vay với lãi suất cao được ẩn đằng sau các khoản phí, lãi (phí) phạt rất cao; tự đứng ra thực hiện chức năng trung gian thanh toán trái pháp luật hoặc sử dụng các phương pháp thu hồi khoản vay trái pháp luật như khủng bố, đe dọa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người vay gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Theo các chuyên gia ngân hàng, việc sớm ban hành các văn bản pháp lý để điều chỉnh hoạt động này là cần thiết, nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển của thị trường tài chính, ngăn chặn các “biến tướng” của P2P lending đối với xã hội như: Cho vay nặng lãi, rửa tiền, hoạt động đa cấp trái pháp luật.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo lấy ý kiến về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Đáng chú ý, Dự thảo nêu rõ sẽ thực hiện giám sát các hoạt động thí điểm như: Công ty công nghệ tài chính Fintech cung cấp dịch vụ thanh toán, tín dụng, cho vay P2P lending. Thời gian thử nghiệm các giải pháp này kéo dài 1 - 2 năm.