Chốt phiên giao dịch ngày 13/7, VN-Index tăng 11,22 điểm lên 1.165,42 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 806,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 16.4,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 334 mã tăng giá, 97 mã giảm giá và 70 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,09 điểm lên 229,97 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 103,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.732 tỷ đồng. Toàn sàn có 114 mã tăng giá, 76 mã giảm giá và 65 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,3 điểm lên 86,21 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 64,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 864,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 199 mã tăng giá, 93 mã giảm giá và 93 mã đứng giá.
Khối ngoại hôm nay mua ròng hơn 231 tỷ đồng trên HOSE, trong khi bán ròng 12,74 tỷ đồng trên HNX và 15,57 tỷ đồng trên UPCOM. Các mã được mua ròng nhiều nhất là MSN, SSI, MWG, VCB, VHM.
Cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt đi lên giúp VN-Index tăng điểm. Trong rổ cổ phiếu VN-30 có tới 27 mã tăng giá, trong khi chỉ có 2 mã giảm và 1 mã đứng ở tham chiếu.
Thị trường tích cực nên nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng ngập trong sắc xanh. Cùng đó là các mã cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng giá. Nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng chỉ còn duy nhất MIG giảm giá, các mã AIC, BIC, BLI, BVH, PGI, PRE, PTI, PVI, VNR ở chiều giá xanh.
Các nhóm hóa chất, ngân hàng, xây dựng và vật liệu, ô tô và phụ tùng, hàng cá nhân và gia dụng, công nghệ thông tin, thép... đồng loạt tăng giá.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), về vĩ mô, trạng thái nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khá trầm lắng và khó dự báo đặc biệt đối với thị trường bất động sản và thị trường xuất khẩu (do kinh tế thế giới đang tăng trưởng thấp nên đơn hàng không nhiều). Tuy nhiên, việc lãi suất đang có xu hướng giảm và ổn định giúp dòng tiền trong thị trường trở nên bình ổn hơn.
Tình hình kinh tế toàn cầu hiện cũng đang khó lường, điểm tích cực là nhiều tổ chức tài chính lớn đang nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu dù mức độ không cao.
Nhìn chung tâm lý giới đầu tư đang dần ổn định hơn và tin kinh tế sẽ bình ổn trở lại. Thị trường có khả năng hình thành uptrend (biểu hiện sự đi lên của thị trường, đáy sau cao hơn đáy trước, đỉnh sau cao hơn đỉnh trước), do vận động của thị trường luôn đi trước diễn bến thực sự của nền kinh tế.