Người phát ngôn của Nippon Steel cho biết bức thư do các Giám đốc điều hành của Nippon Steel và US Steel cùng một số lãnh đạo khác của hai tập đoàn này ký tên song không cung cấp chi tiết nội dung.
Trước đó, Nippon Steel đã lên kế hoạch đạt thỏa thuận mua lại US Steel. Kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối của Tổng thống Joe Biden, Nghiệp đoàn ngành thép của Mỹ (USW), nhiều thành viên Quốc hội Mỹ cũng như Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Trong khi đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ cũng đang đánh giá vụ việc trên.
Trong thư gửi tới hai công ty trên ngày 31/8, Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) cho rằng thương vụ trên sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Mỹ, gây tổn hại đến nguồn cung thép cần thiết cho các dự án quan trọng về giao thông, cơ sở hạ tầng, xây dựng và nông nghiệp.
Theo một số nguồn tin, trong ngày 11/9, một lãnh đạo cấp cao của Nippon Steel và Giám đốc điều hành U.S. Steel đã có buổi gặp với các quan chức cấp cao Mỹ nhằm tìm cách cứu vãn thương vụ. Tuy vậy, kết quả cuộc họp vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Cũng trong ngày 11/9, Liên đoàn các tổ chức kinh tế của Nhật Bản và một số nhóm doanh nghiệp Mỹ đã gửi thư tới Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, trong đó bày tỏ lo ngại về những đánh giá của chính quyền Tổng thống Biden đối với thương vụ này.
Mặc dù từ chối đưa ra bình luận về thương vụ trên, song Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito ngày 13/9 cho rằng việc các công ty Nhật Bản và Mỹ tiếp tục thực hiện những hoạt động hợp tác kinh tế và việc gia tăng các thỏa thuận sẽ góp phần quan trọng trong mối quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước.
Trước đó, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã cảnh báo đề xuất mua lại U.S. Steel của Nippon Steel sẽ tạo ra rủi ro an ninh quốc gia vì nó có thể gây tổn hại đến nguồn cung thép cần thiết cho các dự án giao thông, xây dựng và nông nghiệp quan trọng.
Trong bức thư dài 17 trang gửi tới Nippon Steel và U.S. Steel vào đầu tháng 9/2024, CFIUS nhắc đến tình trạng dư thừa thép giá rẻ của Trung Quốc trên toàn cầu và nhận định nếu thương vụ thành công, phía U.S. Steel sẽ ít có khả năng tìm cách xin áp thuế đối với các nhà nhập khẩu thép từ nước ngoài.
CFIUS nói thêm rằng, các quyết định của U.S. Steel trong các vụ kiện thương mại sẽ chịu ảnh hưởng của Nippon Steel. Khi đó, tập đoàn thép của Mỹ có thể phải tính đến lợi ích và vị thế cạnh tranh của Nippon Steel trên thị trường thép toàn cầu.
Theo CFIUS, trong khi U.S. Steel đã tích cực kiến nghị các biện pháp áp thuế đối với hàng nhập khẩu nước ngoài, Nippon Steel đôi khi phản đối những nỗ lực đó.
Bên cạnh đó, CFIUS cũng nhận thấy rủi ro phát sinh từ sự hiện diện ngày càng tăng của Nippon Steel tại Ấn Độ, nơi chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Trong một bức thư phản hồi dài 100 trang vào ngày 3/9, Nippon Steel cho biết họ sẽ đầu tư hàng tỷ USD để duy trì và thúc đẩy các cơ sở của U.S. Steel vốn đối mặt nguy cơ bị đóng cửa. Nippon Steel lập luận rằng những khoản đầu tư mới cho phép U.S. Steel duy trì và có thể tăng năng lực sản xuất thép tại Mỹ.
Lặp lại các tuyên bố trước đó, Nippon cũng cho biết họ sẽ không chuyển bất kỳ năng lực sản xuất hoặc việc làm nào của U.S. Steel ra khỏi Mỹ. Công ty cũng sẽ không can thiệp vào bất kỳ quyết định nào của U.S. Steel về các vấn đề thương mại, bao gồm các quyết định theo đuổi những biện pháp theo luật Mỹ chống lại các hoạt động thương mại không công bằng.
Nippon thậm chí còn đề xuất một thỏa thuận an ninh quốc gia, nhằm trấn an CFIUS. Họ cũng cam kết rằng phần lớn hội đồng quản trị của U.S. Steel sẽ là công dân Mỹ không có quốc tịch kép, bao gồm ba giám đốc độc lập được CFIUS chấp thuận để giám sát việc tuân thủ thỏa thuận.
Về vấn đề thép từ Ấn Độ, Nippon Steel khẳng định họ không có động cơ kinh tế nào và sẽ không nhập khẩu thép có nguồn gốc từ Ấn Độ hoặc các nguồn khác nằm ngoài nước Mỹ vào thị trường này để cạnh tranh hoặc làm suy yếu U.S. Steel. Vì điều này sẽ trực tiếp mâu thuẫn với cơ sở cho khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD của Nippon Steel.
Nippon Steel đã đưa ra nhiều cam kết khi công bố thông tin chi tiết về cách họ sẽ quản lý U.S. Steel sau khi hoàn tất thỏa thuận đang chờ xử lý. Việc Nippon Steel nhấn mạnh rằng công dân Mỹ sẽ nắm giữ các vai trò ra quyết định quan trọng tại U.S. Steel diễn ra khi tập đoàn Nhật Bản phải đối mặt với những rào cản chính trị để hoàn tất thỏa thuận. Thương vụ đang vấp phải sự phản đối từ nghiệp đoàn của US Steel có trụ sở tại Pittsburgh và Tổng thống Biden, cũng như các ứng cử viên đang chạy đua vào Nhà Trắng là bà Kamala Harris và ông Donald Trump.