Huyện miền núi Sơn Tây cách thành phố Quảng Ngãi khoảng 100 km về phía Tây. Tại đây, gần như hộ nào cũng trồng cau. Cau thuộc loại dễ trồng, quả chín rơi xuống tự mọc lên, không tốn công chăm bón, dễ thích nghi với môi trường, trồng ở đâu cũng sống và phát triển tốt. Những năm gần đây, cau trở thành mặt hàng xuất khẩu đã giúp nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo.
Cau rớt giá
Nếu như những năm trước, cau tươi có giá từ 18 - 25 nghìn đồng/kg, lúc cao nhất đến 33 nghìn đồng/kg, thì năm nay, cau rớt giá còn 5 nghìn đồng/kg, thậm chí, thời điểm hiện tại không có người thu mua cau.
Gia đình ông Đinh Văn Nhóc, xã Sơn Dung, trồng gần 4 ha cau. Những năm cau được mùa, được giá, ông Nhóc thu về vài trăm triệu đồng.
“Những năm trước, khi vào vụ thu hoạch cau thì nhà nào cũng vui mừng, xóm làng nhộn nhịp như có hội. Thậm chí, lo sợ có người trộm cau, bà con còn phải canh gác. Còn năm nay, cau không những rớt giá mà còn không có người mua, nên buồn lắm. Nhưng bà con không nỡ chặt bỏ, mà vẫn tiếp tục trồng mới, vì hy vọng cau chỉ mất giá tạm thời, vụ sau sẽ lại được giá. Dù không bán được vẫn phải thuê người hái xuống, vì nếu để vậy thì vụ cau năm sau trái sẽ ít hơn”, ông Nhóc cho hay.
Vào những năm trước cau tươi có giá, các thương lái tại địa phương thi nhau mở lò xông, sấy cau để xuất bán đi các nơi. Họ còn đến tận nhà dân đặt tiền cọc trước để thu mua cau tươi. Năm nay, cau rớt giá, các lò sấy cau đóng cửa khiến không ít bà con nông dân than vắn thở dài. Theo chị Dương Thị Hoa, tiểu thương tại xã Sơn Dung, đầu vụ cau, dù giá rẻ nhưng thương lái còn còn thu mua, nhưng giờ họ cho rằng cau núi vỏ dày nên không mua.
“Hiện tại, cau chỉ xuất đi Trung Quốc, nhưng thương lái hiện không thu mua cau miền núi mà chỉ thu mua cau tại các huyện đồng bằng bởi cho rằng cau miền núi vỏ dày. Giờ tôi chỉ thu mua cau chín với giá 3 nghìn đồng/kg để ươm giống, cung cấp cây giống cho bà con”, chị Hoa cho hay.
Xây dựng vùng chuyên canh
Năm 2018, huyện Sơn Tây đã đưa cây cau vào cây trồng chủ lực của huyện và xây dựng dự án hình thành vùng chuyên canh cây cau. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2023, dự án tiến hành trồng mới 830 ha cau, với kinh phí 20 tỷ đồng. Đến năm 2025 sẽ hình thành vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000 ha trên địa bàn 9 xã. Để thực hiện dự án, chính quyền địa phương sẽ cấp cau giống và phân bón thích hợp tùy vào nhu cầu của các hộ gia đình.
Ông Đinh Quang Ven, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây, cho biết huyện vẫn xác định cau là cây trồng chủ lực trong việc xác định cây, con giống để góp phần xóa đói giảm nghèo. Thực tế thời gian qua đã chứng minh được rằng trái cau tươi tuy có những năm rớt giá, nhưng vài năm sau lại tăng giá, và bà con lại có thu nhập cao.
“Nếu so sánh cây cau với những cây trồng khác trên địa bàn như cây keo, cây sắn thì cau vẫn có giá trị hơn. Cây keo thì phải 5 - 6 năm mới cho khai thác và sau đó phải trồng lại. Cau cũng trồng 5 năm mới cho thu hoạch nhưng lại cho thu liên tục vào những năm sau đó. Cau đã giúp cho hàng trăm hộ đồng bào Ca Dong của huyện xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua”, ông Ven cho hay.
Điều băn khoăn nhất của huyện Sơn Tây là đầu ra cho sản phẩm. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện đã phối hợp với Viện Quy hoạch Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đưa một số giống cây vào trồng dưới tán cây cau như, hành Hà Lan, ổi Nữ Hoàng, cây sả... để trong những năm cau không có giá thì người dân vẫn có thu nhập từ những cây trồng khác, ông Ven cho biết thêm.