Xung đột ở Trung Đông 'hâm nóng' giá dầu thế giới

Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày 13/2, do căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang ở Trung Đông và Đông Âu. Tuy nhiên, đà tăng này bị hạn chế phần nào do các nhà đầu tư hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất sớm của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Chú thích ảnh
Cơ sở lọc dầu của Aramco ở gần al-Khurj, phía Nam thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 77 xu Mỹ, tương đương 0,94%, lên mức 82,77 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 95 xu, tương đương 1,24%, lên mức 77,87 USD/thùng.

Phiên trước đó, giá dầu gần như không thay đổi sau khi tăng 6% vào tuần trước, do xung đột ở Trung Đông căng thẳng hơn đẩy giá tăng cao. Theo các nguồn tin, Mỹ bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine.

Ông John Kilduff, đối tác của Again Capital có trụ sở tại New York (Mỹ), cho biết: “Việc Mỹ từ chối cho thấy rằng thực sự không có hồi kết về lệnh ngừng bắn hoặc thỏa thuận hòa bình cho đến khi Ukraine đạt được điều mình muốn. Các lệnh trừng phạt của Mỹ cuối cùng cũng bắt đầu có hiệu lực và chúng tôi đang chứng kiến nhiều quốc gia cắt bỏ việc mua hàng của Nga”.

Những lo ngại về sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột ở Trung Đông cũng làm dấy lên lo ngại về triển vọng nguồn cung dầu. Các cuộc đàm phán liên quan đến Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có đột phá khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi Israel hoãn kế hoạch tấn công vào phía Nam của vùng đất này.

Lực lượng Houthi liên kết với Iran của Yemen đã tiếp tục các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, tuyên bố đoàn kết với người Palestine và tấn công các tàu có quan hệ thương mại với Mỹ, Anh và Israel.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy lạm phát tiêu dùng vẫn tăng cao hơn dự kiến trong tháng trước. Các nhà hoạch định chính sách của Fed được cho là sẽ phải chờ đợi lâu hơn trước khi cắt giảm lãi suất. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu của nước này, đồng thời cũng đẩy đồng USD lên mức cao nhất trong ba tháng. Đồng USD mạnh lên làm giảm nhu cầu về dầu của những người mua thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.

Theo các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ công bố vào cuối ngày 13/2, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng, trong khi tồn kho nhiên liệu giảm.

Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo về mức tăng trưởng tương đối mạnh về nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2024 và 2025, đồng thời nâng dự báo tăng trưởng kinh tế cho cả hai năm này. OPEC và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC+, sẽ quyết định vào tháng Ba tới xem có nên gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu hay không.

Minh Trang/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu WTI tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 30/1
Giá dầu WTI tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 30/1

Giá dầu giao kỳ hạn ít biến động trong phiên giao dịch 12/2 do thị trường lo ngại về kế hoạch lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN