110 năm Ngày Bác Hồ tìm đường cứu nước: Trường Dục Thanh nhớ Bác

Trước khi bắt đầu hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường giải phóng dân tộc, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dừng chân và dạy học tại trường Dục Thanh, thành phố Phan thiết, tỉnh Bình Thuận.

Chú thích ảnh
Trường Dục Thanh nay là Khu di tích Dục Thanh.

Những ngày này khi cả nước hướng về kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2021), mảnh đất Bình Thuận càng thêm tự hào khi đã từng in dấu chân Người.

Khoảng đầu tháng 9/1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây "xem họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào", thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Người xin dạy học tại Trường Dục Thanh đến tháng 2/1911. Trường Dục Thanh được xây dựng năm 1907 trong khu đất của anh em cụ Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, là con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông. Trường dạy chữ quốc ngữ là chính, bên cạnh đó còn dạy thêm Hán văn, Pháp văn. Trường mang tên Dục Thanh với ý nghĩa giáo dục thanh niên lòng yêu nước, hưởng ứng truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân.

Chú thích ảnh
Lớp học đơn sơ, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học.

Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, lúc đầu thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại nhà Ngư trong khuôn viên trường. Thầy được phân công dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp Nhì, phụ trách thể dục buổi sáng cho trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động ngoại khóa của trường. Mặc dù việc dạy học chỉ là tạm thời nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành nhiệt tình truyền dạy cho học sinh về tình yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên và những suy nghĩ về vận mệnh đất nước. Đây cũng là thời điểm Người tìm hiểu kỹ tình hình và điều kiện chuẩn bị cho cuộc hành trình vào Sài Gòn, vượt đại dương bôn ba tìm đường cứu nước.

Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rất say mê đọc sách. Từ đó, Người đã tiếp cận được thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái... Người còn học hỏi ngư dân cách đánh bắt cá, cách xác định phương hướng khi đi biển, cách chống say sóng… Khi rảnh, thầy Thành lại chăm sóc cây cối trong vườn, dẫn học trò đi thăm những cảnh đẹp ở Phan Thiết...

Chú thích ảnh
Ngọa Du Sào - nơi Bác thường đọc sách.

Đến nay đã tròn 110 năm ngày Người rời mái trường này nhưng những kỷ vật ở Trường Dục Thanh xưa, nay là Khu Di tích Dục Thanh vẫn được gìn giữ vẹn nguyên. Ngoài lớp học với mái ngói đơn sơ được bao bọc bởi 4 bức tường gỗ giản dị, hiện Khu Di tích Dục Thanh còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật quý giá về Người như: bộ bàn ghế Bác ngồi giảng bài, bộ trường kỷ Bác ngồi, bộ ván gỗ Bác ngủ mỗi đêm, chiếc án thư, chiếc tủ đứng Bác để tư trang cá nhân, tráp văn thư, nhà Ngư nơi Bác sinh hoạt…Khuôn viên khu di tích còn có cây khế năm xưa thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường hay tưới nước, chăm sóc mà bây giờ người dân nơi đây gọi là Cây khế Dục Thanh hay Cây khế Bác Hồ.

Ngày nay, Khu Di tích Dục Thanh, Bảo tàng Hồ Chí Minh -Chi nhánh tỉnh Bình Thuận không chỉ trở thành điểm tham quan du lịch, thăm viếng Bác mà còn là nơi sinh hoạt chính trị, giáo dục tư tưởng, ý thức của thế hệ trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Cây khế Bác từng chăm sóc sau những giờ dạy học.

Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Bình Thuận, mỗi năm Khu Di tích Dục Thanh đón rất nhiều trường học, các cơ quan, đơn vị tổ chức dâng hương, báo công dâng lên Bác, nhất là vào các ngày lễ lớn của dân tộc. Năm 2020, nơi đây đã đón hơn 1.630 đoàn khách đến viếng, sinh hoạt chính trị và hơn 90 nghìn lượt khách đến tham quan… Điều đáng mừng là ngày càng có rất nhiều bạn trẻ tìm đến Khu Di tích này để viếng Bác, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Người để tự soi rọi bản thân mình.

Mỗi ngày, cuốn sổ ghi cảm tưởng tại Khu Di tích Dục Thanh lại dày thêm bởi những cảm xúc, niềm tự hào của hàng nghìn vị khách từng đặt chân đến. Ai ai cũng bày tỏ lòng yêu thương, sự biết ơn vô hạn đối với công lao giải phóng dân tộc của Bác, nguyện phấn đấu suốt đời đi theo con đường mà Người đã chọn, suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Chú thích ảnh
Giếng nước năm xưa Bác dùng để sinh hoạt. 

Ngôi trường Dục Thanh với những kỷ vật, kỷ niệm gắn với thầy giáo Nguyễn Tất Thành sẽ mãi gần gũi, thiêng liêng, là niềm tự hào, trân trọng của các thế hệ học sinh, sinh viên, của nhân dân Bình Thuận hôm nay và mai sau.

Bài và ảnh: Hồng Hiếu (TTXVN)
Cuốn sách đặc biệt viết về Bác Hồ được tái bản lần thứ 19
Cuốn sách đặc biệt viết về Bác Hồ được tái bản lần thứ 19

Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1996, cuốn sách nổi tiếng viết về Bác Hồ có tên "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" của nhà văn Trình Quang Phú đã được 6 nhà xuất bản tái bản tới 19 lần. Ở mỗi lần tái bản, tác giả đều có những chỉnh sửa, bổ sung các tư liệu mới có giá trị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN