Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
Trả lời về việc đền bù cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cho biết đã chuyển 3.000 tỷ đồng tiền tạm ứng cho 4 địa phương để thực hiện bồi thường thiệt hại cho ngư dân bị ảnh hưởng.
Theo đó, tổng số tiền tạm ứng đã được chuyển khoản về tài khoản địa phương từ ngày 4/10 và đến cuối ngày 10/10, tất cả 4 địa phương đã nhận được tiền.
Trong đó, số tiền chuyển cho tỉnh Quảng Bình là 1.100 tỷ đồng, Hà Tĩnh là 1.000 tỷ đồng, Quảng Trị 500 tỷ đồng và Thừa Thiên - Huế là 400 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển cho các địa phương để tạm ứng trước cho người dân 50% tiền bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã chuyển 150 triệu USD (trong tổng số 500 triệu USD tiền đền bù của công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa) từ tài khoản tạm gửi của Bộ TN-MT về tài khoản Kho bạc Nhà nước.
Để đảm bảo việc chi bồi thường minh bạch, ông Đào Xuân Tế, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã hướng dẫn các địa phương mở tài khoản có mục đích để chuẩn bị cho công tác thực hiện giải ngân tiền bồi thường thiệt hại của Formosa. Bộ Tài chính cũng đã có các công văn hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp phát tiền rất chi tiết, cụ thể.
Trên cơ sở các đối tượng nhận đền bù đã được địa phương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, theo Bộ Tài chính, việc thực hiện chuyển tiền cho ngư dân dự kiến sẽ nhanh gọn.
Về vấn đề thuế đối với mặt hàng xăng dầu, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, xăng nhập vào Việt Nam sẽ phải chịu các khoản thuế như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, phần trích quỹ bình ổn giá.
Theo đó, tỷ trọng thuế với mặt hàng xăng là 41,5% trong giá thay vì hơn 50% như một số thông tin đưa ra trước đó. Ông Phạm Đình Thi cho biết tỷ trọng này thấp hơn một số nước, ví dụ tại Hàn Quốc, các loại thuế chiếm tỷ lệ 70% giá bán, hay Campuchia có tỷ trọng thuế chiếm 56% trong giá.
Đại diện Bộ Tài chính cho hay, giá bán lẻ mặt hàng xăng tại Việt Nam hiện là 0,74 USD/lít. Mức giá này thấp hơn một số nước như Trung Quốc (0,94 USD/lít), Lào (1,09 USD/lít), Singapore (1,34 USD/lít)….
Về tổng thu ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết lũy kế 9 tháng đạt 718,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8% dự toán cả năm. Tuy nhiên mức thu này chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Riêng khoản thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ bằng 96,7% so với cuối tháng 9 năm ngoái.
Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 57,4% dự toán. Nguyên nhân theo lãnh đạo Bộ Tài chính do ảnh hưởng của giá dầu, khí giảm nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, công ty trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí khó khăn.
Cụ thể, thu từ dầu thô sau 9 tháng cũng mới đạt 29,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54,7% dự toán. Số thu này theo tính toán giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Ngoài ra, khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng cũng giảm, chỉ đạt mức 194,7 nghìn tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán. Tuy nhiên, sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng là 89 nghìn tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu chỉ còn 105,7 nghìn tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán và giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, khoản thu nội địa qua 9 tháng cũng mới đạt 579,6 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% so với dự toán và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy nếu so với tiến độ năm 2015 thì khoản thu này cũng đang chậm.
Cùng với thu ngân sách, tổng chi ngân sách Nhà nước trong 9 tháng đạt 870,5 nghìn tỷ đồng, bằng ,4% dự toán năm và tăng 5,7% so cùng kỳ năm 2015.